Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ NGUYÊN NHÂN CHIẾN TRANH VIỆT NAM


PGS, TS. Hồ Khang
Viện lịch sử quân sự Việt Nam
Thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam đã buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương; công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút hết quân về nước. Đây là một cột mốc quan trọng trên con đường giải phóng dân tộc của toàn quân, toàn dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam.

Do tương quan so sánh lực lượng đôi bên và tình hình chính trị thế giới phức tạp lúc đó, Việt Nam tạm thời bị chia làm hai miền với hai chế độ chính trị đối lập. Sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam chưa hoàn thành. Cuộc đấu tranh giành toàn vẹn độc lập, thống nhất đất nước còn phải tiếp tục trong những điều kiện mới, vừa thuận lợi nhưng cũng rất phức tạp, xét trên bình diện trong nước và thế giới.
ở trong nước, miền Bắc hoàn toàn giải phóng trở thành hậu phương căn cứ địa của cả nước, có chính quyền vững mạnh, có lực lượng vũ trang anh dũng, có mặt trận tập
hợp và đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp. Nhân dân miền Nam giác ngộ chính trị cao, một lòng hướng về miền Bắc, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng CSNV và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước được Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo; được đông đảo nhân dân tiến bộ và nhiều quốc gia trên thế giới đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ. Đó là những thuận lợi hết sức căn bản của toàn Đảng, toàn quân và toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bên cạnh những thuận lợi, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Miền Bắc kinh tế nghèo nàn, kỹ thuật sản xuất lạc hậu, tình hình an ninh chính trị khá phức tạp do âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thực dân, đế quốc và tay sai gây ra trước, trong và sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng; bộ máy chính quyền các cấp chưa được củng cố, trình độ nhận thức, kinh nghiệm và năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế. ở miền Nam từ chỗ có chính quyền, có quân đội, có vùng giải phóng, giờ đây, phần lớn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tập kết ra miền Bắc, cách mạng miền Nam phải chuyển sang phương thức hoạt động vừa hợp pháp vừa không hợp pháp; vừa công khai vừa bí mật. Tất cả những thay đổi đó, ở một mức độ đáng kể, đã tác động tới tâm tư, tình cảm của đồng bào đồng chí miền Nam và đặt ra cho cách mạng nước Việt Nam những nhiệm vụ mới đầy phức tạp, khó khăn.
Trên thế giới, thắng lợi của nhân dân Việt Nam sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp tác động to lớn đến phong trào giải phóng dân tộc ở châu á, châu Phi và Mỹ latinh. Phong trào này tìm thấy ở thắng lợi của nhân dân Việt Nam nguồn cổ vũ, sự động viên mạnh mẽ cùng những bài học lịch sử quý báu để vận dụng vào điều kiện cụ thể từng nước trong sự nghiệp đấu tranh tự giải phóng dân tộc. Thực tế lịch sử cho thấy, từ giữa những năm 50 của thế kỷ XX cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa có bước phát triển mạnh mẽ. Đến cuối những năm 60, đã có khoảng 40 nước giành được độc lập, mà phần lớn trong số đó vốn là thuộc địa của Pháp. Thực tế đó có tác động tới tình hình chính trị thế giới. Nếu trước kia Liên hợp quốc chỉ có khoảng 50 nước thành viên, chủ yếu là các nước châu Âu và Mỹ latinh thì đến giữa những năm 50 của thế kỷ XX, tổ chức này đã có tới 100 nước thành viên. Chương trình nghị sự về các vấn đề thế giới vì vậy, không còn do các nước lớn thao túng, định đoạt, áp đặt cho Đại hội đồng liên hợp quốc... như trước được nữa.
Sự thất bại của chủ nghĩa thực dân cũ trước phong trào giải phóng dân tộc tác động trực tiếp tới nguồn lợi nhuận của nhiều nước tư bản phát triển, làm cho khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội ở những nước này ngày càng thêm sâu sắc, buộc các chính phủ đó phải tìm mọi cách ứng phó nhằm duy trì vị trí của họ ở nước ngoài, đồng thời tăng cường bóc lột các lực lượng lao động trong nước. Nhưng cũng chính vì thế, phong trào đấu tranh của nhân dân trong nước, đi đầu là giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đế quốc ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, khiến cho tình hình nhiều nước tư bản ở châu Âu, châu á, châu Mỹ càng lâm vào tình trạng bất ổn về chính trị, xã hội...
Trong khi đó, chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam góp phần làm suy yếu một bước chủ nghĩa đế quốc đã tạo cho các nước xã hội chủ nghĩa có thêm điều kiện thuận lợi để mở rộng phạm vi ảnh hưởng cũng như tăng cường tiềm lực, sức mạnh kinh tế, quân sự của mình. Hệ thống xã hội chủ nghĩa được củng cố và tăng cường; phạm vi của hệ thống nối liền từ Âu sang á đã thực sự là nhân tố đóng vai trò to lớn và quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế, có ý nghĩa quyết định trong bảo vệ hoà bình và giữ gìn an ninh thế giới. Tuy vậy, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như trong nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa, nảy sinh những bất đồng về đường lối, quan điểm và những bất đồng đó chẳng những không được khắc phục mà ngày càng sâu sắc, đặc biệt giữa Liên Xô và Trung Quốc.
Sự hình thành và lớn mạnh của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân ở các nước tư bản làm cho chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ lo sợ. Mỹ và các đồng minh của chúng ráo riết tìm mọi cách đối phó. Mỹ tiếp tục hướng nỗ lực vào việc chống phá chủ nghĩa cộng sản trên khắp các châu lục. Chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm bao vây, ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, đến năm 1955, đạt tới đỉnh cao với việc ra đời nhiều khối quân sự do Mỹ cầm đầu, 1.400 căn cứ quân sự của Mỹ có mặt tại 31 nước. Những nỗ lực trên đây của Mỹ và đồng minh khiến cho tình hình thế giới diễn biến ngày càng thêm căng thẳng, chiến tranh lạnh diễn biến ngày càng gay gắt, tuy vẫn có hoà hoãn bộ phận. Trong thế hình thành hai cực trên thế giới, hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa vừa chống đối nhau quyết liệt nhưng đồng thời vẫn phải hợp tác với nhau trong chừng mực có thể để giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực có liên quan. Toàn bộ tình hình trên đây, ở từng chừng mực cụ thể, tác động tới sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các nước tư bản thuộc phe Đồng minh (trừ Mỹ), tuy thắng trận nhưng nền kinh tế bị kiệt quệ; còn Đức, I-ta-ly và Nhật Bản bại trận, bị các nước đồng minh chiếm đóng. Liên Xô, nước đóng vai trò quyết định trong việc đập tan chủ nghĩa phát xít, bị tàn phá nặng nề. Các nước dân chủ nhân dân ra đời sau chiến tranh phần lớn là những nước kinh tế kém phát triển.
Do vị thế của mình, bước ra khỏi cuộc chiến tranh, nước Mỹ vươn lên mạnh mẽ, trở thành cường quốc số 1 duy nhất về kinh tế trên thế giới. Lợi dụng sự khó khăn của các nước và trước sức tấn công của ba dòng thác cách mạng thế giới, đế quốc Mỹ đứng ra đóng vai trò "sen đầm" quốc tế, ráo riết thực hiện chiến lược toàn cầu nhằm bao vây, ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, chĩa mũi nhọn chủ yếu vào Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, chống lại phong trào giải phóng dân tộc mà theo nhìn nhận của giới lãnh đạo Mỹ lúc bấy giờ, Việt Nam là điểm nóng bỏng nhất.
Việt Nam có vị trí địa - chiến lược rất quan trọng ở khu vực Đông Nam á, là bao lơn nhô ra biển Thái Bình Dương, điểm giao hội các tuyến hàng hải quốc tế, lại có tài nguyên phong phú, được các nhà chiến lược Mỹ đánh giá là một tiền tiêu quan trọng trên tuyến bao vây ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản.
Cho đến giữa năm 1945, hiểu biết của Mỹ về tình hình chính trị đang diễn biến trên bán đảo Đông Dương, quả thật, còn hạn chế. Trong con mắt của Mỹ, phong trào Việt minh lúc đó là tập hợp các đảng phái quốc gia có thể lợi dụng được để sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Mỹ thực hiện âm mưu biến khu vực này thành thuộc địa kiểu mới. Thế nhưng, khi nhận ra chính quyền mới ở Việt Nam được thiết lập trong Cách mạng Tháng Tám do những người cộng sản lãnh đạo, Mỹ ráo riết ủng hộ Tưởng Giới Thạch lật đổ nhà nước đó. Sau ngày cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời, từ cuối năm 1949 trở đi, Mỹ ngày càng dính líu sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương bằng cách, một mặt, viện trợ cho Pháp mà khoản viện trợ này, vào năm 1954, lên tới 78% tổng chi phí chiến tranh của Pháp ở Đông Dương; mặt khác ráo riết thực hiện âm mưu thế chân Pháp, độc chiếm Đông Dương. Sau khi thực dân Pháp bại trận buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ thì tổng thống Mỹ tuyên bố Mỹ không bị ràng buộc bởi hiệp định này. Ngay sau đó, Mỹ tìm cách hất cẳng Pháp, độc chiếm miền Nam, gây nên cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới kéo dài và cực kỳ tàn khốc. Chọn Việt Nam làm nơi thí nghiệm chiến lược toàn cầu phản cách mạng, âm mưu cơ bản của đế quốc Mỹ là đè bẹp cách mạng Việt Nam, chia cắt lâu dài Việt Nam, ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Dương và Đông Nam Á, qua đó, bao vây, uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa và răn đe phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới cũng như rút kinh nghiệm để dập tắt phong trào này. Năm đời tổng thống Mỹ kế tiếp nhau đã theo đuổi âm mưu cơ bản trên đây bằng các chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới. Chiến tranh xâm lược Việt Nam, vì vậy, là một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng đầy tham vọng của đế quốc Mỹ.
Về phía Việt Nam, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cơ bản, lâu dài của cách mạng Việt Nam và cũng là nguyện vọng chính đáng, thiêng liêng của mỗi người Việt Nam yêu nước. Sau ngày cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, mục tiêu và nguyện vọng đó chưa hoàn thành do âm mưu và hành động chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Vì thế Việt Nam buộc phải tiến hành kháng chiến để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thu non sông về một mối, thực hiện thắng lợi mục tiêu bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, góp phần vào việc thực hiện những mục tiêu cách mạng của thời đại.
Bởi vậy, từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam trở thành nơi tập trung mâu thuẫn cơ bản của thế giới, chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc đụng đầu lịch sử giữa hai lực lượng cách mạng và phản cách mạng. Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, do đó mang tính thời đại sâu sắc.
Vậy, gây ra cuộc chiến tranh này, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía đế quốc Mỹ. Nói cách khác, mục tiêu chiến lược toàn cầu lâu dài và chính sách xâm lược của Mỹ chống lại nguyện vọng độc lập, hoà bình, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam là nguồn gốc sâu xa, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc đụng đầu lịch sử này.


1 nhận xét:

  1. Nếu kháng chiến thất bại không biết thế giới bây giờ như thế nào! Em không ngờ chiến tranh Việt Nam lại có 1 tầm quan trọng mang tính toàn cầu như thế

    Trả lờiXóa

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!