Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Khái niệm QUÂN KHU 5



QUÂN KHU 5, tổ chức hành chính QS theo vùng lãnh thổ, QK5 có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh ở miền Trung, miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thành lập 1.1949 (hợp nhất Chiến khu 5, Chiến khu 6 và Phân khu 15) thành Liên khu 5. Ngày truyền thống 16.10.1945. Từ 1945-1960, địa bàn QK5 được tổ chức thành Chiến khu 5 (Khu 5) gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, các vùng phía Đông tỉnh Kon Tum, Gia Lai; Chiến khu 6 (Khu 6) gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng và Phân khu 15 gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, các vùng phía Tây tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. 27.7.1961,

thành lập BTL QK5 và BTL Quân khu 6 (trên cơ sở Khu 5, Khu 6). Địa bàn QK5 có các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên (4.1966, thành lập Quân khu Trị - Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Quân khu 6 có các tỉnh: Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng. 5.1964, tách Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc (Phân khu 15) để thành lập MT Tây Nguyên (B3 do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy). 5.1976, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập QK5 trên cơ sở sáp nhập QK5, Quân khu 6 và MT Tây Nguyên. Đầu 1977, tách riêng thành phố Đà Nẵng thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. 1999, tách tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng về Quân khu 7. Năm 2004, tách t. Đắc Lắc thành 2 tỉnh Đắc Lắc và Đắk Nông. Địa bàn QK5 ngày nay gồm thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắk Nông. Diện tích tự nhiên và nội địa 100.336 km2, thềm lục địa rộng 200.000 km2, có 2 huyện đảo (Trường Sa, Hoàng Sa), trên 100 đảo lớn nhỏ, là địa bàn cư trú của 43 dân tộc. Phía Bắc giáp Quân khu 4, phía Nam giáp Quân khu 7, phía Tây giáp Lào (đường biên giới 307 km) và Campuchia (đường biên giới 409 km), phía Đông là Biển Đông (bờ biển dài 1077 km). KCCP, Khu 5 có 4 tỉnh vùng tự do (Nam, Ngãi, Bình, Phú) và vùng du kích địch hậu, nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Nhân dân và các LLVT Khu 5 đã đánh hơn 15.000 trận, mở một số chiến dịch và đợt hoạt động tác chiến, phối hợp với các chiến trường toàn quốc. Đặc biệt là trong cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, quân và dân Khu 5 mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên, phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi KCCP. Trong KCCM, cứu nước, nhân dân và các LLVT Khu 5 đẩy mạnh đấu tranh chính trị, kết hợp đấu tranh vũ trang, mở đầu là khởi nghĩa Trà Bồng, đưa phong trào CM chuyển sang thế tiến công. Các LLVT Quân khu đã độc lập chiến đấu và phối hợp với chủ lực của Bộ, đánh bại nhiều biện pháp chiến thuật của Mỹ và QĐ Sài Gòn, nêu cao tinh thần dám đánh và biết cách đánh quân Mỹ, đánh hàng nghìn trận, mở những chiến dịch tiến công, phản công, tiến công tổng hợp, đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đất nước thống nhất, các LLVT QK5 cùng cả nước bước vào thời kỳ mới, kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Tiếp đó, tập trung xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của LLVT ba thứ quân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc, góp phần bảo vệ Tổ quốc. Tư lệnh kiêm Chính uỷ đầu tiên: Nguyễn Đôn. Phần thưởng: Huân chương Sao Vàng, 3 Huân chương Hồ Chí Minh, 7 tỉnh và 1 đơn vị được tặng huân chương Hồ Chí Minh, 5 tỉnh, 3 đơn vị, 141 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương AHLLVTND, 185 Huân chương Quân công, 96.629 Huân chương Chiến công các loại cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nguồn: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Từ điển Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!