Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

TIẾN CÔNG SÀI GÒN - GIA ĐỊNH XUÂN MẬU THÂN 1968 (31.1 - 28.2.1968),


TIẾN CÔNG SÀI GÒN - GIA ĐỊNH XUÂN MẬU THÂN 1968 (31.1 - 28.2.1968), tiến công chiến lược của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam vào Sài Gòn - Gia Định, trọng điểm tiến công chủ yếu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968).
        Sài Gòn là thành phố lớn nhất miền Nam, thủ đô của Việt Nam cộng hoà, được phòng thủ vững chắc. Đến cuối năm 1967, ở vòng ngoài, trên hướng Tây Bắc, ngoài căn cứ Đồng Dù với sư đoàn 25 và 2 lữ đoàn quân Mỹ cùng với sư đoàn bộ binh 25 quân đội Sài Gòn, nhiều tiểu đoàn biệt động quân và các đại đội bảo an; hướng Bắc có căn cứ Lai Khê của sư đoàn 1 bộ binh Mỹ cùng sư đoàn 5 quân đội Sài Gòn và hàng chục tiểu đoàn biệt động quân, khi cần thiết, hướng này còn được lực lượng của trung đoàn 11 thiết giáp Mỹ ở Bàu Trai, Bến Cát hỗ trợ;

ở hướng Đông và Đông Bắc, ngoài quân dù Mỹ ở Biên Hoà, còn có quân Nam Triều Tiên đóng ở Dĩ An, quân Úc đóng ở Long Bình, sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn đóng ở Xuân Lộc; hướng Nam, có lực lượng dù, lính thuỷ đánh bộ và các đơn vị hải quân của quân đội Sài Gòn. Một bộ phận quân Mỹ hoạt động ở Tiền Giang và phía bắc sông Hậu cũng có thể hỗ trợ bảo vệ phía nam Sài Gòn. Vòng trong, lực lượng bảo vệ trị an, cảnh sát dã chiến, một số tiểu đoàn, đại đội quân Mỹ, quân Sài Gòn đóng ở sân bay Tân Sơn Nhất, ở các trại: Đống Đa, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung... Trên các ngả đường dẫn vào thành phố, ở các vùng ven, các khu phô, mạng lưới tình báo, gián điựp, mật vụ cùng hệ thống bốt canh, trạm kiểm soát của địch giăng khắp mọi nơi.
        Quân và dân miền Nam chủ trương tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn - Gia Định bằng cả hai đòn quân sự và chính trị (nổi dậy của quần chúng nhân dân). Đòn tiến công quân sự, đánh vào các cơ quan đầu não của Mỹ - chính quyền Sài Gòn, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy. Tháng 10-1967, Trung ương Cục miền Nam giải thể Quân khu 1 miền Đông, Quân khu 4 Sài Gòn - Gia Định, thành lập Khu trọng điểm gồm Sài Gòn - Gia Định và một số địa phương các tỉnh xung quanh như Long An, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Biên Hoà. Trung ương Cục chia Khu trọng điểm gồm 6 phân khu. Các phân khu1, 2, 3, 4, 5 có vùng nông thôn, vùng ven đô và một số quận nội thành. Ở nội thành có phân khu 6, là phân khu không bao gồm các khu vực địa lý mà chỉ phụ trách các lực lượng quân sự, chính trị hoạt động trong nội thành. Về chỉ đạo, chỉ huy: Khu uỷ Khu trọng điểm được thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, chỉ đạo trực tiếp các phân khu. Ở các phân khu cũng thành lập Phân khu uỷ và Bộ chỉ huy phân khu. Mỗi phân khu uỷ lại chia làm hai bộ phận, một bộ phận chỉ đạo các hoạt động trên địa bàn nông thôn, một bộ phận chỉ đạo hoạt động trên địa bàn đô thị thuộc phân khu. Về quân sự, Trung ương Cục thành lập 2 Bộ chỉ huy tiền phương: Bộ chỉ huy tiền phương 1 (còn được gọi Bộ Tư lệnh tiền phương Bắc) do đồng chí Trần Văn Trà làm Tư lệnh, phụ trách các mũi phía Đông, phía Bắc và các đơn vị chủ lực Miền; Bộ chỉ huy tiền phương 2 (còn gọi Bộ chỉ huy tiền phương Nam) do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Tư lệnh, phụ trách các mũi phía Nam, Tây Nam và các lực lượng nội thành. Các lực lượng vũ trang chiến đấu tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định được chia làm 3 bộ phận: Khối biệt động thành được tổ chức thành 3 cụm, mỗi cụm phân thành từng đội có nhiệm vụ đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu Bộ tổng tham mưu, dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ tư lệnh hải quân, Toà Đại sứ Mỹ, Biệt khu thủ đô, Khám Chí Hoà, Tổng nha cảnh sát. Dự định sau khi đánh chiếm, các đội biệt động sẽ bám trụ trong thời gian từ nửa giờ đến 2 giờ, chờ các tiểu đoàn mũi nhọn và lực lượng thanh niên, sinh viên đến tiếp ứng. Trừ phân khu 6, mỗi phân khu có từ 4 đến 6 tiểu đoàn mũi nhọn hoặc tiểu đoàn đặc công, được tổ chức và trang bị gọn nhẹ, xuất phát từ các căn cứ bàn đạp, cơ động, thọc sâu vào tiếp ứng cho các đội biệt động trong nội thành, đánh địch phản kích, mở rộng khu vực kiểm soát. Khối chủ lực Miền được tăng cường thêm 1 trung đoàn bộ binh của mặt trận Tây Nguyên và một số đơn vị miền Bắc vào gồm 3 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn pháo binh, 1 trung đoàn bộ binh... Tất cả lực lượng này bố trí ở vùng ven trên hướng Đông, hướng Bắc và Tây Bắc Sài Gòn, có nhiệm vụ chặn đánh các sư đoàn chủ lực quân đội Mỹ - Sài Gòn, ngăn chặn không cho các đơn vị này quay về ứng cứu cho nội thành. Cuối năm 1967, trong nội thành đã xây dựng được 19 cơ sở chính trị gồm 325 gia đình. Phần lớn các gia đình này đều gần các mục tiêu đánh chiếm của bộ đội biệt động. Quân giải phóng đã xây dựng được 400 điểm ém giấu lực lượng, vũ khí, trang bị trên khắp địa bàn chiến đấu. Tổ chức Đảng và các đoàn thể cách mạng (công đoàn, thanh niên, phụ nữ... ) đều được xây dựng ở các quận huyện nội ngoại thành. Để đảm bảo tiếp tế vũ khí, lương thực cho lực lượng chiến đấu, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền tổ chức 5 đoàn hậu cần khu vực tương đương 5 trung đoàn, bổ sung và tăng cường lực lượng vận chuyển vũ khí. Nhân dân ven thành thành lập những đội cứu thương, tải thương, tiếp tế hậu cần cho bộ đội. Bộ chỉ huy Miền gấp rút hoàn thành công tác sưu tầm bản đồ thành phố, điều tra các mục tiêu tiến công, đưa đón cán bộ, chỉ huy vào nội thành khảo sát thực địa, tổ chức các đội trinh sát dẫn đường, thông tin, liên lạc... Đến trước giờ nổ súng, công tác chuẩn bị về cơ bản đã hoàn thành.
        2 giờ sáng ngày 31.1.1968 (tức rạng ngày mồng 2 Tết theo lịch miền Nam), các đại đội biệt động với trang bị gọn nhẹ đồng loạt và bất ngờ đánh vào các mục tiêu dự định quan trọng nhất như dinh Độc Lập, Bộ tổng tham mưu nguỵ, Bộ tư lệnh hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh, Toà Đại sứ Mỹ, Đại sứ quán Philippin. Những mục tiêu quan trọng khác, lực lượng biệt động không đánh được vì bị đối phương ngăn chặn quyết liệt trên đường hành quân. Ở những hướng có lực lượng vũ trang Quân giải phóng tiến công, quần chúng nổi dậy phối hợp khá mạnh mẽ. Đồng thời các tiểu đoàn mũi nhọn các phân khu thực hiện tiến đánh những mục tiêu theo quy định. Cùng lúc, xung quanh Sài Gòn - Gia Định, một loạt các căn cứ đóng quân của quân đội Mỹ - Sài Gòn ở Biên Hoà, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Long An cũng bị tiến công. Sau những phút đầu choáng váng, quân đội Mỹ - Sài Gòn tập trung lực lượng tiến hành phản kích quyết liệt. Ngay từ sáng sớm ngày 31.1, Tiểu đoàn dù số 1 quân đội Sài Gòn tiến hành giải toả Đài phát thanh, tiểu đoàn dù số 8 giải toả Bộ tổng tham mưu, tiểu đoàn dù số 6 giải toả sân bay Tân Sơn Nhất, liên đoàn biệt động số 5 gồm 4 tiểu đoàn trấn đóng trên vòng cung Thủ Đức - Nhà Bè - Bình Chánh - Hóc Môn được điều gấp vào nội thành Sài Gòn. Trong ngày 31.1, có 3 tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ nữa được không vận điều từ Vũng Tàu và Cai Lậy về Sài Gòn. Những ngày tiếp theo, nhiều đơn vị được tiếp tục điều về Sài Gòn - Gia Định, nâng tổng số quân Mỹ - Sài Gòn có mặt tại đây lên tới 500.000 quân gồm 15 tiểu đoàn Mỹ, 18 tiểu đoàn quân Sài Gòn, 34.000 cảnh sát dã chiến. Với số quân đó, địch liên tiếp mở nhiều cuộc phản kích giải toả các khu vực còn nằm trong tay Quân giải phóng. Trong các ngày 31.1 đến 4.2, nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra. Trong khi chiến sự đang diễn ra ở nội thành, Quân giải phóng mở gấp một loạt trận đánh ở vòng ngoài tiến công vào sân bay Biên Hoà, khu kho Long Bình, sở chỉ huy dã chiến số 2 của quân Mỹ, Bộ tư lệnh quâ đoàn 3, sở chỉ huy sư đoàn 5 quân Sài Gòn tại Bến cát, các cụm quân thuộc sư đoàn 1 bộ binh Mỹ và căn cứ của trung đoàn thiết giáp số 11 Mỹ ở khu vực Phú Giáo, lữ đoàn 1, sư đoàn 25 bộ binh "Tia chớp nhiệt đới" ở Củ Chi... Các trận đánh đó đã có tác dụng ghìm chân một bộ phận quan trọng quân Mỹ - Sài Gòn và ngăn cản không cho quay về cứu nguy Sài Gòn. Tuy nhiên do chủ trương bảo toàn lực lượng, chủ lực Quân giải phóng vẫn không tiến vào nội đô. Vì thế, lực lượng Quân giải phóng chiến đấu trong thành phố bị đơn độc và tổn thất lớn. Trước tình hình đó, lực lượng chiến đấu trong thành phố rút ra ngoại ô. Từ giữa tháng 2.1968, vùng ven trở thành nơi giao tranh quyết liệt giưa hai bên. Đêm 17 rạng ngày 18.2, Quân giải phóng mở đợt tiến công vào các mục tiêu trong nội thành như trụ sở Bộ chỉ huy quân sự Mỹ (MACV), Bộ tư lệnh quân dù, Tổng nha cảnh sát, Nha cảnh sát đô thành, Biệt khu thủ đô, trung tâm rađa Phú Lâm, nhà máy đèn Chợ Quán, khu cư xá Mỹ... Liên tiếp trong các ngày 17, 21, 24 tháng 2, pháo binh Quân giải phóng đã bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, khu kho xăng An Nhơn - Gò Vấp; bộ binh tiến công Nhà Đèn Thủ Đức, khu hậu cần rạch Chiếc, cầu Bình Lợi, khu huấn luyện quân sự Trung Hoà, trung tâm huấn luyện Quang Trung, căn cứ Đồng Dù... và chặn đánh địch hành quân càn quét ở Vĩnh Lộc, Tân Thới Trung, Hóc Môn, Bà Điểm... Từ tháng 3 trở đi, áp lực xung quanh Sài Gòn - Gia Định và các đô thị khác giảm dần. Trong đợt 1 tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn - Gia Định, quân và dân ta đã tiêu hao, tiêu diệt và làm tan rã một lực lượng lớn quân Mỹ - Sài Gòn cùng nhiều loại vũ khí và phương tiện chiến tranh. gi. Tuy nhiên, lực lượng Quân giải phóng cũng bị tổn thất nặng nề. 80% chiến sĩ biệt động hy sinh và bị bắt, 50% lực lượng tiểu đoàn mũi nhọn bị thương vong; một số tiểu đoàn khi rút ra chỉ còn 1/5, 1/10 quân số. Cơ sở cách mạng nội thành bị tổn thất nặng. Mặc dù vậy, cuộc tiến công Sài Gòn - Gia Định Xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa to lớn, đó là đòn bất ngờ đánh vào hầu hết các mục tiêu cơ quan quan trọng nhất của Mỹ - chính quyền Sài Gòn, đưa chiến tranh cách mạng vào trung tâm đầu não và làm rối loạn hậu phương của địch; góp phần to lớn làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút quân Mỹ và quân viễn chinh về nước. Sau đợt 1, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, phối hợp với quân và dân toàn miền Nam, Thường vụ Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền mở đợt 2 tiến công vào nhiều mục tiêu ở Sài Gòn - Gia Định. Mở đầu, pháo binh Quân giải phóng bắn phá mãnh liệt sân bay Tân Sơn Nhất, Sứ quán và các khu nhà ở của đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, tân cảng Sài Gòn, Bộ tư lệnh Hải quân, Tổng nha cảnh sát, Biệt khu Thủ đô; đặc công và biệt động tập kích đài vô tuyến truyền hình, cầu Phan Thanh Giản; chủ lực Quân giải phóng và các tiểu đoàn mũi nhọn cùng bộ đội địa ph­ơng đánh sâu vào trung tâm thành phố, chiếm giữ ngã t­ư Bảy Hiền, trường đua Phú Thọ, quận lỵ Gò Vấp, cầu Chữ Y, bốt cảnh sát Quận 8, cầy Bình Lợi, cầu Bình Hoà... Ở ngoại vi, các đơn vị Quân giải phóng khống chế các ngả đ­ờng dẫn vào thành phố, pháo kích một số mục tiêu nh­ư kho tàng, sân bay; tiến công vào các đơn vị quân Mỹ và quân Sài Gòn; vào một số thị trấn, quận lỵ... Ngày 12.5, lực lượng Quân giải phóng rút khỏi Sài Gòn. Địch chiếm lại những khu vực, mục tiêu vừa bị mất. Đòn tiến công Sài Gòn - Gia Định có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam. Cuộc tiến công Sài Gòn - Gia Định có những ưu điểm là: có một quá trình chuẩn bị chu đáo (chủ động chuẩn bị mọi mặt ngay từ những năm 1965, 1966 cho đòn tiến công vào Sài Gòn - Gia Định); kiên quyết chấp hành chủ trương, tiến công địch với quyết tâm và nghị lực to lớn; giữ được yếu tố bí mật tạo nên được bất ngờ lớn về chiến lược và chiến dịch; tạo dựng được thế trận 3 vùng, xây dựng đuợc những bàn đạp tiến công vững chắc tạo điều kiện cho Quân giải phóng tiến công những mục tiêu nội thành, rút lui và đánh địch phản kích. Bên cạnh đó nó cũng còn tồn tại những khuyết điểm như: công tác chuẩn bị hiệp đồng giữa các đơn vị, giữa đòn tiến công quân sự và chính trị chưa chặt chẽ, nhịp nhàng; ngay từ đầu chưa tiêu diệt được nhiều sinh lực địch cao cấp; đòn quân sự chưa đủ mạnh để tạo điều kiện cho quần chúng đô thị nổi dậy; chưa có kế hoạch thật cụ thể để ứng phó với việc địch phản kích quyết liệt, hoặc không thực hiện được khả năng thứ nhất; chưa có sự phối hợp giữa các đơn vị để đánh địch phản kích làm giảm hiệu quả chiến đấu. Những bài học rút ra đó là: kiên quyết quán triệt mệnh lệnh, quyết tâm của cấp trên; đánh giá đúng sức mạnh của địch và khả năng của ta; hệ thống chỉ huy phải phù hợp, đủ khả năng và phương tiện để chỉ huy nhanh chóng, kịp thời; về phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy (chủ động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm với cấp trên, đánh giá tình hình trung thực, khách quan); xây dựng những mũi nhọn chủ lực thọc sâu vào các mục tiêu quan trọng nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!