Mai Hoa
tổng hợp
Tháng
01 năm 1988, CHND Trung Hoa đã huy động một lực lượng hải quân gồm nhiều tàu khu
trục và tàu tên lửa xuất phát từ Hải Nam tiến xuống phía Nam, trong đó có 4 chiếc
đến khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động
các tàu vận tải của Việt Nam trong khu vực biển gần bãi đá Chữ Thập và bãi đá
Châu Viên[1],
xâm chiếm tại bãi đá Chữ Thập[2]
và Châu Viên, xây nhà, cắm cờ Trung Quốc trên hai đảo này, làm bàn đạp để mở rộng
các hành động lấn chiếm trên quần đảo. Lực lượng tàu chiến này đặt dưới sự chỉ
huy của một Bộ Tư lệnh đặc biệt được thành lập để tổ chức triển khai chiến dịch
đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa.
Sáng ngày 14-3-1988, Trung Quốc huy động một biên đội tầu chiến gồm
6 chiếc, có trang bị tên lửa và pháo 100 ly tấn công 3 tàu vận tải của Việt Nam
đang làm nhiệm vụ tiếp tế ở cụm đảo Sinh Tồn, gây ra cuộc hải chiến đẫm máu gần
cụm đảo Sinh Tồn, khiến 3 tàu vận tải của Việt Nam bị bắn chìm, 20 chiến sĩ hy
sinh và 74 chiến sĩ hải quân khác bị mất tích. Khi các tàu cứu hộ của Việt Nam
mang cờ chữ thập đỏ đến cứu các tàu bị bắn chìm, thì bị tàu chiến Trung Quốc
ngăn cản, bao vây. Đây là cuộc đụng độ hải
quân trầm trọng nhất ở khu vực Trường Sa kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai
kết thúc. Sau khi thực hiện hành động vũ lực trên, Trung Quốc đã chiếm
thêm một số đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cho xây "đài quan sát
biển", mà thực chất là "tiền đồn an ninh biển" (marine
observatory) trên một trong những nhóm đá có tranh chấp chủ quyền. Xung đột này xảy ra vào thời điểm "vấn đề
Campuchia" đang đi vào giải quyết, trùng hợp với những căng thẳng ở
Campuchia. Đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Trung Quốc không chỉ
triển khai thực hiện chiến lược mở rộng lãnh hải, mà còn nhằm giải tỏa áp lực cho lực lượng Polpot đang bị bao vây ở Campuchia. Tính
trong năm 1988, Trung Quốc tấn công chiếm 6 điểm trên quần đảo Trường Sa (ngoài
hai bãi
đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên, Trung Quốc còn chiếm
Cụm đá Ga Ven[3], Đá Gạc Ma[4], Đá Tư Nghĩa[5], Đá Vành Khăn[6]), xây dựng
hệ thống dàn khoan khung sắt với những thiết bị vệ tinh và thông tin, ra sức củng
cố những điểm này làm bàn đạp cho những bước tiến mới.
Trước những hành động xâm chiếm trái phép của Trung Quốc,
Chính phủ Việt Nam đã gửi nhiều công hàm phản đối đến Bắc Kinh (ngày 17 và 23,
26 tháng 3-1988), đề nghị Trung Quốc cử đại diện đàm phán, thương lượng để giải
quyết những bất đồng liên quan đến quần đảo Trường Sa, cũng như
những vấn đề tranh chấp khác về biên giới và quần đảo Hoàng Sa; đề nghị Trung
Quốc trong khi chờ giải quyết tranh chấp, hai bên không dùng vũ
lực và tránh mọi đụng độ để tình hình không phát triển xấu thêm. Việt Nam cũng
thông báo cho Liên Hợp Quốc về tình hình này. Song phía Trung Quốc vẫn tiếp tục
chiếm giữ các nơi đã chiếm được và khước từ thương lượng, giữ quan điểm về
"chủ quyền không thể tranh cãi" của mình đối với quần đảo Nam Sa
(Trường Sa).
Ngày 13-4-1988 (tròn một tháng sau cuộc hải chiến khốc liệt với Việt
Nam ở quần đảo Trường Sa), Quốc hội Trung Quốc khóa VI đã
phê chuẩn thành lập Khu hành chính Hải Nam([7]),
có địa giới hành chính rộng lớn trên biển Đông, bao trùm cả hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tháng 4-1988, Trung Quốc đặt lại tên cho các đảo,
đá, bãi cạn thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và sáp nhập hai quần đảo vào địa
phận Hải Nam - Trung Quốc. Việc làm này của Trung Quốc là nhằm đặt toàn bộ vùng
biển Đông và tất cả các đảo ở đó dưới sự kiểm soát của mình, mở rộng tuyến
phòng thủ chiến lược phía Nam tới quần đảo Trường Sa ở cực Nam biển Đông - đây là việc làm bất hợp pháp, xâm phạm chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ của nước khác. Ngày 14 tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại giao Cộng
hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phản đối việc Quốc hội Trung Quốc sáp nhập hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam (Nghị quyết ngày 13/4/1988 thành lập
tỉnh Hải Nam). Trung Quốc tuyên truyền chính sách mở
cửa của Hải Nam là nhằm phát triển kinh tế, thực chất, Hải Nam đang dần dần được
biến thành một cơ sở kinh tế, căn cứ quân sự hùng mạnh. Điều đó trở thành một yếu
tố làm bất ổn định đối với sự phát triển chính trị, ngoại giao tại khu vực.
Tháng 4/1988, Bộ
Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố Sách trắng “Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và luật
pháp quốc tế”. Ngày 01 tháng 7 năm 1988, tỉnh Phú Khánh được tách làm hai
tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa, huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Ngày
4 tháng 3 năm 1992, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Công hàm phản đối “Pháp lệnh về
lãnh hải , vùng tiếp giáp lãnh hải của CHND Trung Hoa”. Công hàm khẳng định
Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa. Ngày 22 tháng 01 năm 1994, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam
tuyên bố Việt Nam có quyền kiểm soát đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa, Việt Nam là nước đầu tiên chiếm hữu và quản lý nhà nước hai quần đảo này từ
thế kỉ XVII.
Ngày 23 tháng 6 năm
1994, Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn
Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, trong đó nhấn mạnh: “Quốc hội một
lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa và chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ
cũng như các hành động khác có liên quan về Biển Đông thông qua luật pháp quốc
tế, đặc biệt là Công ước năm 1982 về Luật Biển của Liên Hợp quốc, tôn trọng
quyền chủ quyền về kinh tế và thềm lục địa; trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán
đề tìm giải pháp cơ bản, lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ
sở giữ nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử
dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực”.
[1] Là một
rạn san hô vòng đa phần chìm ngập dưới nước, nằm về phía đông của đá Đông,
[2]Là một
rạn san hô lớn nằm tách biệt khỏi các thực thể khác. Tổng diện tích hơn 110
km2. Đây là trung tâm đồn trú của Trung Quốc tại Trường Sa.
[3] Cụm này
gồm hai rạn san hô là đá Ga Ven và đá Lạc, lần lượt nằm cách đảo Nam Yết 8,5 và
7 hải lí về phía tây.
[4] Là một
rạn san hô nằm ở đầu mút tây nam của cụm Sinh Tồn.
[6] Là một
rạn san hô vòng đa phần chìm dưới nước, nằm cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lí về
phía nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!