Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỦA VIỆT NAM (1954 - 1975)


KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỦA VIỆT NAM (1954 - 1975), kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược để giải phóng miền Nam; bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước.
Cuộc kháng chiến diễn ra trong những điều kiện mới, vừa thuận lợi nhưng cũng rất phức tạp. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, có chính quyền vững mạnh, có lực lượng vũ trang anh dũng, có mặt trận đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân. Nhân dân miền Nam giác ngộ chính trị cao, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự nghiệp kháng chiến của nhân dân cả nước được Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo; được đông đảo nhân dân tiến bộ và nhiều quốc gia trên thế giới đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ. Bên cạnh những thuận lợi, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Đất nước tạm chia làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội đối lập. Miền Bắc kinh tế nghèo nàn, kỹ thuật sản xuất lạc hậu. Ở miền Nam, từ chỗ có chính quyền, có quân đội, có vùng giải phóng, giờ đây, phần lớn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tập kết ra miền Bắc, cách mạng miền Nam phải chuyên sang phương thức hoạt động vừa hợp pháp vừa không hợp pháp; vừa công khai vừa bí mật. Trên thế giới, phong trào cách mạng đang ở thế tiến công; tuy nhiên, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cũng như nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa, nảy sinh bất đồng về đường lối, quan điểm và những bất đồng đó chẳng những không được khắc phục mà ngày càng sâu sắc; đặc biệt giữa Liên Xô và Trung Quốc. Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ tiếp tục hướng nỗ lực vào việc chống phá chủ nghĩa cộng sản trên khắp các châu lục. Chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm bao vây, ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, đến năm 1955, đạt tới đỉnh cao với việc ra đời nhiều khối quân sự do Mỹ cầm đầu. Những nỗ lực trên đây của Mỹ và đồng minh khiến cho tình hình thế giới diễn biến ngày càng thêm căng thẳng, chiến tranh lạnh tiếp diễn ngày càng gay gắt, tuy vẫn có hoà hoãn bộ phận. Thế giới hình thành hai hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa vừa chống đối nhau quyết liệt nhưng đồng thời vẫn phải hợp tác với nhau trong chừng mực có thể để giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực có liên quan. Toàn bộ tình hình trên đây tác động tới sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.
 Việt Nam có vị trí địa - chiến lược rất quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, được các nhà chiến lược Mỹ đánh giá là một tiền tiêu quan trọng trên tuyến bao vây ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản. Sau khi thực dân Pháp bại trận buộc phải kí Hiệp định Giơ-ne-vơ thì Tổng thống Mỹ tuyên bố Mỹ không bị ràng buộc bởi Hiệp định này. Ngay sau đó, Mỹ tìm cách hất cẳng Pháp, độc chiếm miền Nam, gây nên cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới kéo dài và rất tàn khốc. Chọn Việt Nam là nơi thí nghiệm chiến lược toàn cầu phản cách mạng, âm mưu cơ bản của đế quốc Mỹ là đè bẹp cách mạng Việt Nam, chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Dương và Đông Nam Á, qua đó, bao vây, uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa và răn đe phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới cũng như rút kinh nghiệm để tiến tới dập tắt phong trào này. 6 đời tổng thống Mỹ kế tiếp nhau đã theo đuổi âm mưu cơ bản trên đây bằng các chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới. Chiến tranh xâm lược Việt Nam, vì vậy, là một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng đầy tham vọng của đế quốc Mỹ. Việt Nam trở thành nơi tập trung mâu thuẫn cơ bản của thế giới, chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc đụng đầu lịch sử giữa hai lực lượng cách mạng và phản cách mạng. Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, do đó, mang tính chất thời đại sâu sắc.
 Giai đoạn 1 (tháng 7.1954 - 12.1960): khôi phục toàn diện miền Bắc Việt Nam, đấu tranh chính trị ở miền Nam Việt Nam, đồng khởi làm thất bại một hình thức thống trị điển hình bằng chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Sau hơn 80 năm thống trị của thực dân Pháp và 15 năm tàn phá của chiến tranh, hoà bình lập lại, miền Bắc đứng trước một loạt khó khăn gay gắt trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng. Những vấn đề này càng trở nên nóng bỏng do âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là Mỹ - Diệm. Bên cạnh khó khăn, miền Bắc hoàn toàn giải phóng là một thắng lợi to lớn, một điều kiện thuận lợi rất cơ bản cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam trong thời kì mới. Phát huy khí thế chiến thắng và trên nền tảng của những điều kiện thuận lợi này, nhân dân miền Bắc Việt Nam tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, hoàn thành cải cách ruộng đất và sửa sai, phục hồi kinh tế, phát triển văn hoá, xã hội, cải tạo xã hội chủ nghĩa các thành phần kinh tế, củng cố quan hệ sản xuất mới với hai hình thức cơ bản là quốc doanh và tập thể, củng cố và tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh, đập tan âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch...
Ở miền Nam, đế quốc Mỹ thực hiện các biện pháp nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Pháp và đánh bại các thế lực thân Pháp, xây dựng chính quyền, quân đội Sài Gòn phục vụ cho âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Với sự ủng hộ của Mỹ, chính quyền và quân đội Sài Gòn mở các đợt "tố cộng", "diệt cộng", giết hại, giam cầm hơn nửa triệu người yêu nước, đàn áp dã man phong trào đấu tranh của nhân dân đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ và thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước cùng các quyền dân sinh, dân chủ. (Xem vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh, 7.9.1954; vụ thảm sát Phú Lợi, 1.12.1958). Cách mạng miền Nam chịu những tổn thất nặng nề và lâm vào tình thế rất hiểm nghèo.
Từ tháng 8 - 1956, Lê Duẩn, trên cương vị là Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ, đã từ thực tiễn của tình hình miền Nam, viết Đề cương cách mạng miền Nam, dự kiến mức độ bạo lực phải được nâng cao nhưng bằng cách nào thì vẫn chưa có được giải pháp cơ bản cho cách mạng miền Nam. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (đợt 1, 12 - 22.1.1959; đợt 2, 10 - 15.7.1959) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ đề ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam; nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ; phương pháp cách mạng và phương pháp chiến tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; xu hướng phát triển của phong trào cách mạng miền Nam là từ khởi nghĩa của nhân dân có thể tiến lên cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Để chi viện cho cách mạng miền Nam, tháng 5-1959, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định tổ chức Đoàn 559 và tháng 7 - 1959 quyết định tổ chức Đoàn 759. Trước khi Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 ra đời cũng như trong lúc Nghị quyết chưa được truyền đạt tới, ở nhiều địa phương miền Nam, quần chúng cách mạng có sự chỉ đạo của Đảng bộ cơ sở đã từng bước khôi phục, phát triển các đội vũ trang, tổ chức một số cuộc đấu tranh vũ trang hoặc đấu tranh chính trị có vũ trang kết hợp, diệt ác, phá tề, chống càn, bảo vệ căn cứ. Đến giữa năm 1959, miền Nam đang trong quá trình xuất hiện khởi nghĩa từng phần. Nghị quyết 15 đã thổi bùng lên phong trào Đồng khởi, làm tan rã hàng loạt bộ máy kìm kẹp chính quyền địch ở cơ sở, giành quyền làm chủ hàng nghìn xã, ấp, thôn, bản, đẩy quân đội và chính quyền Ngô Đình Diệm lâm vào thế bị động, lúng túng, khủng hoảng trầm trọng (Xem Nổi dậy ở Vĩnh Thạnh, 6.2 - 4.1959; nổi dậy ở Bác Ái, 7.2 - 4.1959; khởi nghĩa Trà Bồng, 8.1959; đồng khởi Bến Tre, 17.1 - 20.4.1960; trận Tua Hai 26.1.1960 ). Sau Đồng khởi, Đảng bộ miền Nam được khôi phục, đội quân chính trị, "đội quân tóc dài" của phụ nữ Nam Bộ, ra đời; lực lượng vũ trang ba thứ quân và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp hình thành, hệ thống căn cứ địa tại chỗ được khôi phục, mở rộng... Ngày 20- 12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, Đại hội đại biểu các giai cấp, các đảng phái, các tôn giáo, các dân tộc toàn miền Nam họp tuyên bố thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và bầu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Đại hội thông qua Tuyên ngôn và chương trình hành động. Cách mạng miền Nam từ thoái trào và thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công.
Giai đoạn 2 (1.1961 - 6.1965): Cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ. Trước nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược chiến tranh đặc biệt để đối phó với cách mạng miền Nam. Đây là một loại hình chiến tranh trong khuôn khổ chiến lược toàn cầu phản ứng linh hoạt của đế quốc Mỹ. Đặc điểm của loại hình chiến tranh này là sử dụng quân đội tay sai bản xứ làm công cụ tiến hành chiến tranh với đôla, vũ khí Mỹ, do Mỹ chỉ huy. Vận dụng vào miền Nam, Mỹ tập trung xây dựng lực lượng quân đội Sài Gòn, bộ máy cảnh sát; tăng cường viện trợ (quân sự và kinh tế), cố vấn, lực lượng yểm trợ... nhằm "bình định" miền Nam trong 18 tháng (từ giữa năm 1961 đến hết năm 1962) theo kế hoạch Xtalây - Taylo; sau đó 2 năm (1963 - 1964), theo kế hoạch Giônxơn - Mắc Namara. Với sự tăng viện về đôla, vũ khí, thiết bị chiến tranh, đội ngũ cố vấn của Mỹ, trong những năm chiến tranh đặc biệt, Mỹ, chính quyền và quân đội Sài Gòn dồn sức gom dân lập ấp chiến lược bằng nhiều thủ đoạn và biện pháp khốc liệt; mở nhiều cuộc hành quân càn quét, sử dụng các loại vũ khí hiện đại áp dụng các chiến thuật "tân kỳ" như "thiết xa vận", "trực thăng vận", các thủ đoạn chiến thuật được mệnh danh là "bủa lưới phóng lao", "trên đe dưới búa", "phượng hoàng vồ mồi"... , đánh phá phong trào cách mạng, đánh sâu vào toàn bộ hệ thống căn cứ của cách mạng miền Nam, bịt kín vùng biên giới nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc.
 Để đánh bại chiến lược chiến tranh mới của Mỹ, quân và dân miền Nam tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang (cả khối cơ động và lực lượng tại chỗ) đi đôi với xây dựng, củng cố và mở rộng hậu phương, căn cứ địa tại chỗ trên chiến trường; phát triển chiến tranh du kích trên cả 3 vùng chiến lược đi đôi với tăng cường đánh phá các vị trí xung yếu, nâng dần trình độ tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực; phân chia lại chiến trường theo yêu cầu phát triển của chiến tranh; đẩy mạnh sự chi viện từ miền Bắc cho cách mạng miền Nam (mở rộng hành lang vận chuyển chiến lược bằng đường bộ, đường biển); tăng cường và củng cố các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của cách mạng miền Nam (Trung ương Cục miền Nam, Khu uỷ, Bộ chỉ huy Miền, Bộ chỉ huy quân sự các quân khu), thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (15.2.1961). Cùng với quá trình này, quân và dân miền Nam kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đánh địch bằng ba mũi giáp công trên ba vùng chiến lược, đẩy mạnh chiến tranh du kích và từng bước nâng dần tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực, tiêu hao tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của quân đội Sài Gòn. Trận Ấp Bắc (Cai Lậy, Mỹ Tho) ngày 2-1-1963 báo hiệu khả năng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và nhân dân miền Nam hoàn toàn có thể đánh bại các biện pháp chiến lược của Mỹ trong "chiến tranh đặc biệt"ấmu chiến thắng Ấp Bắc, phong trào phá ấp chiến lược dâng cao. Kế hoạch "bình định" miền Nam trong 18 tháng của Xtalây - Taylo bị phá sản. Đồng thời, mặt trận đấu tranh vũ trang có bước phát triển mới. Chiến tranh du kích phát triển rộng khắp, kết hợp chặt chẽ với phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Tác chiến của bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực ngày càng phát triển. Phong trào đấu tranh trong các đô thị đòi quyền dân sinh, dân chủ, bình đẳng tôn giáo, chống bắt lính... dâng cao. Nội bộ Mỹ - chính quyền Sài Gòn lâm vào cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc. Mỹ buộc phải phế bỏ Diệm - Nhu (11-1963) hòng cứu vãn tình hình.
Ở miền Bắc, công cuộc xây dựng hậu phương vững mạnh về mọi mặt tiếp tục thu được những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng. Cách mạng Lào có những bước phát triển mới với việc thiết lập chính quyền ba phái, gồm cả Pa-thét Lào. Lúc này, mâu thuẫn Xô - Trung trở nên gay gắt tác động với sự nghiệp kháng chiến của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tháng 11-1963, Hội nghị Trung ương lần thứ 9 đã kịp thời xác định nhiều vấn đề quan trọng về đường lối đoàn kết quốc tế của Đảng, về đường lối cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, miền Bắc nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu đạt các mục tiêu về kinh tế, văn hoá, xã hội của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; đồng thời ra sức chuẩn bị mọi mặt nhằm bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc, chi viện tiền tuyến miền Nam.
Trước sức tiến công của cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ càng tăng cường các hoạt động chống phá nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đỉnh cao của các hoạt động đó của Mỹ là sử dụng hạm tàu Ma-đốc vi phạm lãnh hải nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, dựng nên "sự kiện vịnh Bắc Bộ" để tạo cớ ném bom miền Bắc (5-8-1964) và thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết vịnh Bắc Bộ (ngày 7- 8-1964) trao cho Tổng thống Giônxơn quyền sử dụng lực lượng quân sự Mỹ trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hành động trên đây khiến cho tình hình diễn biến ngày càng thêm căng thẳng. Tháng 3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt, biểu thị ý chí đoàn kết chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc Việt Nam. Trên chiến trường miền Nam, năm 1964 và những tháng đầu năm 1965, quân và dân các địa phương đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống phá bình định, đã làm thất bại "quốc sách" ấp chiến lược. Bộ đội chủ lực mở nhiều trận đánh và một số chiến dịch tiến công (Xem chiến dịch Bình Giã 2.12.1964 - 3.1.1965;  Ba Gia 28.5 - 20.7.1965; Đồng Xoài 10.5 - 22.7.1965). Chiến tranh du kích tiếp tục phát triển rộng khắp, đặc biệt là hoạt động của bộ đội đặc công, biệt động sâu trong vùng hậu cứ, hậu phương của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Các nỗ lực chống phá miền Bắc của Mỹ tỏ ra không hiệu quả. Lực lượng phòng không ba thứ quân miền Bắc kịp thời đánh trả các hoạt động "trả đũa" của không quân Mỹ ngay từ trận đầu (Xem Trận chiến đấu phòng không 5.8.1964) và trong các chiến dịch Mũi lao lửa 1 (Flaming Dart 1), Mũi lao lửa 2 (Flaming Dart 2). Chính quyền Sài Gòn tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng nội bộ với 14 lần đảo chính và phản đảo chính trong hơn một năm rưỡi kể từ ngày Diệm - Nhu bị lật đổ (11.1963 - 6.1965). Đến giữa 1965, hơn 50 vạn quân Sài Gòn - nòng cốt của chiến tranh đặc biệt, không đủ sức đương đầu với Quân giải phóng miền Nam Việt Nam; chương trình bình định được coi là "xương sống" của cuộc chiến tranh này cũng bị phong trào tiến công và nổi dậy của quân dân miền Nam làm phá sản; chính quyền Sài Gòn - chỗ dựa về chính trị để Mỹ tiến hành chiến tranh đặc biệt, ngày càng lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc. Chiến lược chiến tranh đặc biệt, sau 4 năm triển khai thực hiện, về cơ bản, đã bị đánh bại trên chiến trường miền Nam.
Giai đoạn 3 (7.1965 - 12. 1968): cả nước có chiến tranh, đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ, mở ra giai đoạn mới của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: vừa đánh vừa đàm. Từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ bằng việc đưa quân chiến đấu Mỹ (đến cuối năm 1965 là 184.000 quân và năm 1968 là 542.000 quân) cùng quân một số nước đồng minh của Mỹ (Thái Lan, Nam Triều Tiên, Ôxtrâylia, Niudilân, Philippin (57.000 quân, lúc cao nhất tới 70.300 quân) và quân đội Sài Gòn (650.000 quân, lúc cao nhất lên tới 1 triệu), hợp thành hai lực lượng chiến lược với những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất (trừ vũ khí nguyên tử); đồng thời sử dụng không quân, hải quân Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, hỗ trợ cho hoạt động quân sự ở miền Nam. Mục tiêu chiến lược của Mỹ là sử dụng sức mạnh quân sự trực tiếp của Mỹ đánh bại cách mạng miền Nam, dự định chỉ trong vòng 25 đến 30 tháng (từ giữa năm 1965 đến hết năm 1967). Kế hoạch giành thắng lợi quyết định ở miền Nam của quân Mỹ được phân thành 3 giai đoạn: giai đoạn đầu, triển khai quân Mỹ, chặn đứng chiều hướng thua của quân đội Sài Gòn; giai đoạn 2, mở các cuộc tiến công chiến lược "tìm diệt" Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và kiểm soát vùng nông thôn; giai đoạn 3, hoàn tất các mục tiêu, rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam. Đây là nỗ lực quân sự lớn nhất, bước leo thang chiến tranh cao nhất của đế quốc Mỹ kẻ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Hành động chiến tranh mới này của Mỹ đặt cuộc kháng chiến của quân dân miền Việt Nam trước thủ thách lớn lao và tình thế rất hiểm nghèo. Các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (3-1965) và 12 (12-1965), đã hạ quyết tâm động viên cao độ sức mạnh của cả nước, ra sức tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân tiến bộ thế giới, trước hết là các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, tiếp tục giữ vững và phát huy tư tưởng chiến lược tiến công, ghìm chân và đánh thắng quân Mỹ trên chiến trường miền Nam, bảo vệ vững chắc miền Bắc, làm thất bại chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ.
Từ đầu năm 1965, miền Bắc chuyển nhanh từ thời bình sang thời chiến: chuyển hướng về tư tưởng, tổ chức; chuyển hướng về kinh tế; tăng cường sức mạnh quân sự, bảo đảm cho miền Bắc có đủ điều kiện và sức mạnh để cùng một lúc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân Mỹ, duy trì và giữ vững sản xuất, tăng sức chi viện cho chiến trường. Dưới đạn bom đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ, miền Bắc vẫn vững vàng trong lửa đạn, không nao núng quyết tâm. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vẫn được giữ vững. Đời sống nhân dân nhìn chung vẫn ổn định mặc dù thiếu thốn, khó khăn hơn. Lực lượng phòng không ba thứ quân trên miền Bắc phát triển nhanh chóng, đánh trả có hiệu quả không quân, hải quân Mỹ. Giao thông vận tải không bị ngưng trệ, ngày càng vươn sâu, vươn xa về phía Nam. Sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến tăng nhanh theo từng năm, đáp ứng kịp thời và khá đầy đủ nhu cầu về người, vũ khí, phương tiện chiến tranh của cách mạng miền Nam...
Ở miền Nam, từ những ngày đầu chiến tranh cục bộ và trong những năm sau đó, lực lượng vũ trang ba thứ quân của cách mạng miền Nam đã chủ động đón đánh quân viễn chinh Mỹ. Tiếp theo các trận đánh phủ đầu quân viễn chinh Mỹ (Xem trận Núi Thành, 26.5.1965; Vạn Tường, 18 - 19.8.1965; trận Đất Cuốc, 8.11.1965; Bầu Bàng, 12.11.1965; chiến dịch Plâyme, 19.10 - 20.11.1965), trong mùa khô 1965-1966, quân dân ta đã đánh thắng cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất (mùa khô 1965-1966) làm thất bại chương trình bình định của Mỹ. Tháng 6-1966, Quân uỷ Trung ương quyết định mở Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, tạo hướng tiến công chiến lược mới vào nơi yếu của Mỹ và quân Sài Gòn trên chiến trường, buộc quân Mỹ phải tiếp tục phân tán binh lực lên vùng rừng núi, là nơi ta có điều kiện thực hiện tiêu diệt lớn lực lượng cơ động chủ lực của Mỹ bằng chủ lực mạnh của miền Bắc, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của Mỹ ở miền Nam, không để quân Mỹ và quân Sài Gòn mở cuộc tiến công trên bộ ra khu vực nam Quân khu 4... Tháng 1-1967, Hội nghịâmn Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13 họp và quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao nhằm phối hợp với mặt trận quân sự, chính trị, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, đánh bại các cố gắng chiến tranh của Mỹ. Trong cuộc phản công chiến lược lần thứ hai (mùa khô 1966-1967), quân Mỹ dồn sức liên tiếp mở ba cuộc hành quân lớn là Át-tơn-bo-rơ (14.9 - 24.11.1966), Xi-đa-phôn (8.1 - 26.1.1967), Gian-xơn Xity (22.2 - 15-4-1967) tập trung đánh vào miền Đông Nam Bộ. Dựa trên thế trận chiến tranh nhân dân được chuẩn bị sẵn, kết hợp tác chiến của lực lượngtại chỗ và lực lượng cơ động, quân và dân miền Nam mở các trận đánh, các chiến dịch phản công, tiến công vào nhiều mục tiêu hiểm yếu ở hậu phương, hậu cứ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Thất bại trong hai cuộc phản công chiến lược ở miền Nam cùng với sự bất lực của không quân, hải quân trong việc ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam đã đặt giới lãnh đạo Mỹ vào thế "tiến thoái lưỡng nan" về chiến lược, làm cho nội bộ nước Mỹ, đặc biệt trong giới cầm quyền Mỹ bị phân hoá. Tháng 1-1968, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp thông qua Nghị quyết của Hội nghị Bộ Chính trị tháng 12-1967, chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968. Đêm 20 rạng ngày 21-1-1968, chủ lực Quân giải phóng miền Nam bất ngờ nổ súng đánh vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh (Xem Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, 20.1 - 15.7.1968). Trong khi Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn dồn tâm trí vào chiến sự ở nơi này thì đêm giao thừa và đêm mồng một Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam (30 và 31.1.1968), quân và dân miền Nam đồng loạt tiến công vào 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn; đánh thẳng vào hầu hết các cơ quan đầu não Trung ương, địa phương của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên toàn miền Nam. Vùng nông thôn đồng bằng, với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ trên những khu vực rộng lớn. Cuộc tiến công và nổi dậy đã làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của Mỹ trên chiến trường, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của giới lãnh đạo nước Mỹ. Phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam ở Mỹ dâng cao. Đêm 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn đơn phương tuyên bố: chấm dứt thời kỳ đưa quân Mỹ vào tham chiến ở miền Nam, ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Việt Nam dân chủ cộng hoà và không ra tranh cử nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo... Với tất cả những quyết định trên đây, Mỹ mặc nhiên thừa nhận sự phá sản hoàn toàn của chiến lược "chiến tranh cục bộ". Tháng 5 và tháng 8-1968, quân và dân miền Nam mở tiếp các đợt tiến công mà hướng chính vẫn nhằm vào mặt trận đô thị, bồi tiếp đòn mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ. Nhưng lực lượng ta cũng bị hao tổn nặng, thế trận chiến tranh nhân dân bị suy giảm. Dù vậy, ngày 1-11-1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn vẫn buộc phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện mọi hành động chống phá nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, chấp nhận Hội nghị 4 bên ở Pari.
Giai đoạn 4 (1.1969 - 1.1973): chiến tranh lan rộng, Đông Dương thành một chiến trường đánh Mỹ, tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần 2 của không quân, hải quân Mỹ ở miền Bắc, Hiệp định Pari được kí kết, Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam. Thất bại trên chiến trường Việt Nam đã đẩy nước Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng kéo dài nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần 2, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại. Lên làm tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1969 - 1972, Ních-xơn và giới cầm quyền Mỹ quyết định điều chỉnh chiến lược hòng tiếp tục thực hiện chính sách bã chủ toàn cầu và duy trì sự thống trị miền Nam Việt Nam bằng chủ nghĩa thực dân mới. Chiến lược toàn cầu mới này mang tên "Học thuyết Ních-xơn" và chiến lược quân sự "Răn đê thực tế" thay thế cho chiến lược "Phản ứng linh hoạt" đã bị phá sản. Ứng dụng Học thuyết Ních-xơn vào Việt Nam, chính quyền Mỹ điều chỉnh chủ trương "Phi Mỹ hoá" của thời Giônxơn thành chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" nhằm tiếp tục thực hiện âm mưu cơ bản của Mỹ là bám giữ miền Nam Việt Nam, giảm bớt sự dính líu quân sự trực tiếp trên bộ nhưng vẫn phải giành thế mạnh trên chiến trường để ép đối phương trên bàn thương lượng theo những điều kiện có lợi cho Mỹ. Chiến lược này dự định trải qua 3 giai đoạn và mỗi giai đoạn gắn liền với việc trao dần gánh nặng chiến tranh lên vai chính quyền và quân đội Sài Gòn trên cơ sở đánh giá những "tiến bộ" của chương trình "Việt Nam hoá". Thực hiện chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", Mỹ đã tiến hành một loạt các biện pháp tàn bạo và thâm độc về quân sự, chính trị, ngoại giao; các biện pháp đó được mệnh danh là "chiến tranh huỷ diệt", "chiến tranh giành dân" và "chiến tranh bóp nghẹt".
Từ giữa năm 1968 đến những tháng đầu năm 1970, cách mạng miền Nam lâm vào thời kỳ rất khó khăn, các lực lượng cách mạng, yêu nước ở miền Nam phải đối mặt với những thử thách nặng nề trước sự đánh phá dữ dội và những âm mưu, thủ đoạn "bình định" tàn bạo của đối phương. Giữa những ngày tháng gian nan đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời tại thủ đô Hà Nội (9 giờ 47 phút ngày 2.9.1969). Đây là tổn thất lớn cho toàn dân tộc Việt Nam. Trong khó khăn ác liệt, quân dân Việt Nam vẫn giữ vững ý chí bền bỉ kháng chiến. Từ đầu năm 1970, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương chuyển hướng tiến công, lấy nông thôn làm hướng chính, tập trung nỗ lực ngăn chặn và đẩy lùi các chương trình bình định nông thô của đối phương, ra sức chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đối phó có hiệu quả nếu địch liều lĩnh mở rộng chiến tranh sang Campuchia và Lào. Sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Xihanúc (Xem Đảo chính Lonnon-Xiríchmatăc, 18.3.1970), tháng 4-1970, Mỹ sử dụng 10 vạn quân Sài Gòn với sự yểm trợ của quân Mỹ tràn qua biên giới Campuchia, phối hợp với quân Lonnon đánh vào hai khu vực Móc Câu và Mỏ Vẹt nhằm tiêu diệt chủ lực Quân giải phóng miền Nam và chụp bắt cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam. Cùng lúc đó, Mỹ tăng cường chiến tranh ở Lào, sử dụng máy bay ném bom ở các tỉnh phía nam Quân khu 4. Bộ Chính trị kịp thời nhận định: từ đây, Đông Dương đã trở thành một chiến trường thống nhất, trong đó, chiến trường chính  vẫn là chiến trường miền Nam. Bộ Chính trị chủ trương phối hợp chặt chẽ với Bạn đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch, giải phóng đất đai; đồng thời phá kế hoạch "bình định" ở chiến trường miền Nam. Theo phương hướng đó, Quân giải phóng miền Nam đã cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tổ chức các chiến dịch phản công đánh bại các cuộc tiến công lớn của địch (Xem Chiến dịch Đông Bắc Campuchia, 29.4 - 30.6.1970; Chiến dịch Đông Bắc Campuchia, 4.2 - 31.5.1971; Chiến dịch Đường 6, 27.10 - 4.12.1971), mở rộng vùng giải phóng của cách mạng Campuchia trên 5 tỉnh. Phát huy thắng lợi, những tháng đầu năm 1971, Quân giải phóng miền Nam phối hợp với lực lượng cách mạng Lào tiến hành thắng lợi chiến dịch phản công có ý nghĩa chiến lược (Xem Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, 30.1 - 23.3.1971), đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 - một cuộc hành quân nhằm đánh chiếm Sê Pôn, phá tận gốc đường vận chuyển chiến lược Bắc - Nam, chia cắt 3 nước Đông Dương và thử nghiệm công thức chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh: Bộ binh quân đội Sài Gòn + hoả lực + hậu cần Mỹ. Đây là cố gắng quân sự cao nhất của Mỹ trong giai đoạn Việt Nam hoá chiến tranh. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đã chấm dứt thời kỳ Mỹ và quân đội Sài Gòn tổ chức các cuộc hành quân quy mô lớn tiến công và phản kích ra vòng ngoài trên chiến trường 3 nước Đông Dương. Từ ngày 30-3-1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược vào hệ thống phòng ngự của địch trên 3 hướng, gồm các chiến dịch: chiến dịch Trị - Thiên (30.3 - 27.6.1972); chiến dịch bắc Tây Nguyên (30.3 - 5.6.1972); chiến dịch Nguyễn Huệ ở miền Đông Nam Bộ (1.4.1972 - 19.1.1973). Tiếp đó, Lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam và nhân dân địa phương mở các chiến dịch tiến công tổng hợp đánh phá bình định ở đồng bằng Khu 5, Khu 8 (Xem Chiến dịch Bắc Bình Định, 9.4 - 3.5.1973; chiến dịch đồng bằng sông Cửu Long, 10.6 - 10.9.1972); phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào mở chiến dịch tiến công giải phóng cánh đồng Chum và đánh bại các cuộc phản kích, lấn chiếm của địch (Xem Chiến dịch cánh đồng Chum - Mường Sủi, 18.12.1971 - 6.4.1972, chiến dịch phòng ngự cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, 21.5 - 5.11.1972)... Cuộc tiến công chiến lược đã đập vỡ nhiều tuyến phòng ngự cơ bản của Mỹ và quân đội Sài Gòn, lực lượng tiến công đã chiếm giữ thêm những địa bàn xung yếu có sức uy hiếp các căn cứ, chi khu, đô thị địch; giải phóng nhiều vùng rộng lớn gồm hầu hết các tỉnh Quảng Trị, Công Tum, Bắc Bình Định; hoàn chỉnh vùng giải phóng Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Bình Long, Phước Long), mở ra vùng giải phóng mới ở đồng bằng Khu 5, đồng bằng sông Cửu Long. Mỹ buộc phải sử dụng một lực lượng lớn không quân, hải quân chi viện cho quân đội Sài Gòn phản kích ở miền Nam Việt Nam, mở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Đồng thời chính quyền Mỹ xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết hòng gây sức ép buộc ta ngừng cuộc tiến công. Ở Pari, đàm phán 4 bên về chiến tranh Việt Nam diễn ra căng thẳng. Tháng 12-1972, Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay ném bom chiến lược B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng hòng buộc Việt Nam dân chủ cộng hoà và Cộng hoà miền Nam Việt Nam phải chấp nhận điều kiện Mỹ đưa ra trong đàm phán. Lực lượng phòng không 3 thứ quân và nhân dân miền Bắc đã đánh trả hiệu quả, đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ (Xem Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, 18 - 29.12.1972). Những nỗ lực quân sự, chính trị, ngoại giao không đạt được kết quả, Mỹ buộc phải kí kết Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấp nhận quân đội Việt Nam dân chủ cộng hoà vẫn ở lại miền Nam Việt Nam.
Giai đoạn 5 (1.1973 - 4.1975): tạo thế, tạo lực, nắm vững thời cơ chiến lược, tổ chức và thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ký Hiệp định Pari, chính quyền Ních-xơn vẫn nuôi hy vọng tiếp tục chiến tranh bằng quân đội Sài Gòn hòng tạo ra một khoảng cách cần thiết giữa việc Mỹ rút ra với sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn, gỡ gạc thể diện cho Mỹ. Vì vậy, trước, trong và sau Hiệp định, Mỹ tuồn vũ khí, gài nhân viên quân sự và cố vấn Mỹ ở lại làm nhiệm vụ chỉ huy, hỗ trợ cho chính quyền và quân đội Sài Gòn phá hoại Hiệp định Pari. Quân đội Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, các chiến dịch "tràn ngập lãnh thổ", lấn chiếm vùng giải phóng. Trong khi đó, Mỹ duy trì lực lượng "ngăn đe" ở các vùng phụ cận quanh Việt Nam, đồng thời tiếp tục các hoạt động ngoại giao hòng ngăn chặn sự phát triển của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.
Các hoạt động chống phá Hiệp định Pari của địch gây cho ta sự lúng túng trong việc đối phó. Tháng 7-1973, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 họp, khẳng định con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới này là tiếp tục thực hiện chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Dưới ánh sáng Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quân và dân ta ở miền Nam đẩy mạnh các hoạt động phản công và tiến công địch, chặn đứng và đẩy lùi các hành động lấn chiếm của quân đội Sài Gòn. Ở vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, đặc biệt ở các đô thị lớn, phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Pari, tố cáo chính quyền Thiệu độc tài, tham nhũng, bất công phát triển. Ở Mỹ, tháng 7- 1974, Ních-xơn buộc phải từ chức tổng thống do vụ bê bối Oa-tơ-ghết, Phó tổng thống Mỹ Giê-rôn Pho lên thay. Tháng 7-1974, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn trực tiếp hướng dẫn Bộ Tổng tham mưu khởi thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Tháng 10 và tháng 12-1974, tập thể Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương cùng các cán bộ chủ chốt ở chiến trường họp bàn về quyết tâm và kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian 2 năm 1975-1976. Trong lúc đó, chiến dịch đường 14 - Phước Long (Xem Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, 13.12.1974 - 6.1.1975) giành được thắng lợi. Đây là cơ sở để Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng kết luận: khả năng đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp bằng lực lượng quân sự là rất thấp và dù chúng có can thiệp như thế nào ta cũng có đầy đủ quyết tâm và điều kiện đánh thắng. Bộ Chính trị hạ quyết tâm và thông qua kế hoạch chiến lược cơ bản giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 và 1976 và dự kiến: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975. Ngay sau đó, hai miền Nam, Bắc khẩn trương hoàn tất các mặt chuẩn bị, cả về thế và lực. Ta thành lập 3 quân đoàn 1, 2, 4; mở rộng và kéo dài tuyến vận chuyển chiến lược Bắc - Nam tới Nam Bộ; miền Bắc dồn sức chi viện mạnh mẽ, toàn diện, liên tục cho miền Nam.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam mở màn từ ngày 4-3-1975 bằng chiến dịch Tây Nguyên (4.3 - 3.4.1975) mà trận đột phá chiến lược là trận Buôn Ma Thuột (10 - 11.3.1975); tiếp đó đánh bại cuộc phản kích của sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn, truy kích quân đội Sài Gòn rút chạy trên đường số 7 (nay là đường 25), tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 của địch, giải phóng Tây Nguyên, nhanh chóng phát triển xuống các tỉnh ven biển miền Trung. Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Trong lúc đó, từ ngày 6-3-1975, ta bắt đầu tiến công địch ở Trị - Thiên và Khu 5. Đến ngày 21-3, phát huy thắng lợi nhanh chóng và dồn dập ở Tây Nguyên, đồng bằng miền Trung, hai chiến dịch ở Quân khu 5 và Quân khu Trị - Thiên đã phát triển thành đòn tiến công chiến lược Huế - Đà Nẵng. Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Ngày 26-3, Huế được giải phóng. Ngày 29-3, Đà Nẵng được giải phóng. Sau 25 ngày đêm chiến đấu (6.3 - 29.3), ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 1, Quân khu 1 của địch. Đến ngày 3-4, ta giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung. Từ ngày 14 đến ngày 29, toàn bộ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa được giải phóng. Từ ngày 26-4, chiến dịch Hồ Chí Minh (26 - 30.4.1975) bắt đầu. Sau khi đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài Sài Gòn - Gia Định, sáng ngày 30.4.1975, Quân giải phóng miền Nam thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong nội đô, kết hợp với nổi dậy của nhân dân, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 3 - Quân khu 3 của địch, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện. Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ta từ đầu tháng 3-1975, đã giải phóng toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 4 - Quân khu 4 của địch.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi. Nhân dân Việt Nam đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn nhất, thời gian dài nhất, ác liệt nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong cuộc chiến tranh này, 6 đời tổng thống Mỹ kế nhiệm nhau lập các kế hoạch chiến lược, chi gần 700 tỉ đôla, huy động 22.000 xí nghiệp với gần 6 triệu công nhân công nghiệp và hơn 1/3 tổng số các nhà khoa học, 260 trường đại học Mỹ tham gia nghiên cứu kế hoạch chiến lược chế tạo, sản xuất các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh; huy động 6,5 triệu lượt binh sĩ Mỹ trực tiếp tham chiến, lúc cao nhất có mặt ở miền Nam hơn nửa triệu quân; ném xuống Việt Nam 7.850.000 triệu tấn bom, hàng chục triệu lít chất độc diệt cây, sử dụng những loại vũ khí, kỹ thuật mới nhất (trừ vũ khí hạt nhân); bị tổn thất 360.000, trong đó chết 58.191. Phía Việt Nam, có 1,1 triệu quân nhân hy sinh, 600.000 bị thương, 300.000 mất tích, gần 2 triệu dân thường bị giết hại, 2 triệu mang thương tật, 2 triệu người bị phơi nhiễm hoá chất độc hại. Thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ là thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam; của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, đoàn kết giữa 3 dân tộc trên bán đảo Đông Dương; của sự kế thừa và phát huy lên tầm cao mới truyền thống đánh giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tiếp sau kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ đã hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài hơn 100 năm của nhân dân Việt Nam, mở ra kỉ nguyên mới - đất nước độc lập, thống nhất, đi lên xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh; đồng thời tạo điều kiện cho cách mạng Lào và cách mạng Campuchia giành thắng lợi quyết định, góp phần quan trọng vào cuộc chiến tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!