Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI TRÊN BỘ GIỮA VIỆT NAM – TRUNG QUỐC NHỮNG NĂM 1975-1979



Mai Hoa tổng hợp
Trong quan hệ giữa nhiều quốc gia, vấn đề biên giới là một trong những vấn đề vô cùng nhạy cảm. Đối với mọi quốc gia, việc xác định đường biên giới là một việc cần thiết và quan trọng, bởi biên giới là một sáng tạo pháp lý để xác định chủ quyền. Biên giới, chủ quyền lãnh thổ là vô cùng thiêng liêng và bất khả xâm phạm (inviolabilite).
Với Trung Quốc, Việt Nam có đường biên giới đất liền dài khoảng 1.406 km, từ ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào đến bờ biển vịnh Bắc Bộ (Quảng Ninh - Vân Nam), đi qua 7 tỉnh biên giới phía Việt Nam, tiếp giáp với hai tỉnh phía Trung Quốc[1]. Đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc là đường biên giới thực tế lịch sử, đến cuối thế kỷ XIX đã trở thành đường biên giới pháp lý (được luật pháp quốc tế thừa nhận).


Từ khi có quan hệ chính thức giữa hai Nhà nước, vấn đề biên giới được hai bên thỏa thuận, giải quyết trên tinh thần thông cảm, nhân nhượng. Trong những năm Việt Nam bận với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và việc quản lý biên giới chủ yếu do chính quyền địa phương hai bên thực hiện và không quan tâm nhiều đến vấn đề pháp lý, chủ yếu quản lý theo tập quán, theo các bản đồ Pháp vẽ, hoặc theo bản đồ hiện hành do Trung Quốc xuất bản giúp Việt Nam. Tháng 12-1952, hai Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định phối hợp công tác biên phòng Việt – Trung; năm 1954, hai nước ký tiếp Hiệp định bổ sung; tháng 5-1955, ký kết Hiệp định về mở mậu dịch tiểu ngạch ở biên giới Việt - Trung; năm 1963, ký kết Hiệp định hiệp đồng bảo vệ an ninh khu vực biên giới; năm 1955, ký kết Hiệp định đường sắt biên giới Việt - Trung (đến năm 1971 Hiệp định này được ký lại). Những hiệp định này cùng với hai Công ước Pháp - Thanh năm 1887 và 1895 là cơ sở để hai nước cùng nhau quản lý, xây đắp biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị.

 Sau khi miền Bắc Việt Nam giải phóng, vấn đề biên giới với Trung Quốc một lần nữa được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm giải quyết. Từ ngày 6 đến ngày 9-11-1956, năm tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Hải Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Đông, Quảng Tây) đã gặp nhau hội đàm 10 vấn đề về biên giới[2] và đã đi đến những thoả thuận về quản lý đường biên giới chung. Ngày 2-11-1957, BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi thư cho BCH Trung ương ĐCS Trung Quốc xác nhận biên bản thoả thuận giữa năm tỉnh biên giới hai bên đã ký kết tháng 11-1956. Phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc hai vấn đề: 1). Vấn đề quốc giới cần giải quyết theo những nguyên tắc pháp lý hiện có hoặc được xác định lại và phải do Chính phủ hai nước quyết định; 2). Nghiêm cấm chính quyền địa phương không được thương lượng với nhau để cắm mốc lại, hoặc cắt nhượng đất cho nhau. Theo nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi thì “đề nghị này được đưa ra với thiện chí bảo đảm tôn trọng đường biên giới lịch sử do hai Công ước 1887 và 1895 hoạch định và đã được phân giới cắm mốc[3]. Tháng 4-1958, BCH Trung ương ĐCS Trung Quốc có phúc đáp, “đồng ý với phía Việt Nam tôn trọng nguyên trạng của đường biên giới theo các Công ước 1887 và 1895”[4]. Hai nước cũng thỏa thuận nếu cần thiết sẽ tiến hành các cuộc hội đàm cấp tỉnh để giải quyết những vấn đề cụ thể thuộc về dân sinh và trật tự trị an ở vùng biên giới. Trên thực tế đã diễn ra nhiều cuộc hội đàm giữa các địa phương và đã đi đến một số quy định về việc đi lại, buôn bán, thăm hỏi… giữa nhân dân các tỉnh biên giới. Trong những năm 1958 - 1959, hai nước tiến hành trao trả ruộng đất, rừng cây hỗn canh và giải quyết những tồn tại phức tạp hoặc do lịch sử để lại, hoặc mới nảy sinh như: Bia mốc giới bị xê dịch, xâm canh, xâm cư, di cư, trị an biên giới…
Có một thực tế là trải qua một thời gian dài, sau những biến đổi về chính trị, những thay đổi về mặt thiên nhiên đã làm cho biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc trên thực địa có một số thay đổi, đặc biệt là giữa hai bên đã có những nhận thức khác nhau về chủ quyền đối với một số khu vực, làm nảy sinh những bất đồng, tranh chấp, nhưng khi quan hệ Việt - Trung còn êm ấm, những xung đột này mang tính chất cục bộ và nhất thời. Những tranh chấp đó được hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam, Trung Quốc giải quyết trên tinh thần hợp tác, hữu nghị. Như vậy, trước năm 1975, những vấn đề về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam - Trung Quốc về cơ bản vừa thể hiện tính nguyên tắc, tôn trọng luật pháp quốc tế, vừa thể hiện tình hữu nghị giữa hai dân tộc[5]. Và theo R.V.Pretcot thì đây là "một trong những biên giới được xác định tốt nhất trong khu vực"[6].
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ngày càng xấu đi với những xung đột ở biên giới Việt - Trung tại khu vực Cao Bằng - Lạng Sơn vào cuối năm 1976. Từ năm 1978 đến đầu năm 1979, mức độ những hành động xâm phạm lãnh thổ, vũ trang khiêu khích biên giới Việt Nam của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, từ tháng 7-1978, Trung Quốc đã sử dụng hành động này phục vụ cho mục đích chuẩn bị tạo cớ, gây cuộc tấn công dọc theo toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam[7].
Song song với việc liên tục xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam, Trung Quốc còn vận động các nước ASEAN vào một mặt trận chống Việt Nam. Ngày 5-11-1978, trong chuyến thăm các nước ASEAN, Đặng Tiểu Bình đã phát biểu về nguy cơ của “đại bá” Liên Xô và “tiểu bá” Việt Nam, dẫn chứng bằng  việc Việt Nam - Liên Xô ký kết Hiệp ước[8] (3-11-1978), kêu gọi ASEAN thành lập Mặt trận chống Liên Xô và Việt Nam. Sang đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình tiếp tục đi thăm Mỹ, nhằm tranh thủ sự đồng tình của Mỹ đối với hành động chống Việt Nam của Trung Quốc, nếu Trung Quốc phát động chiến tranh, để “dạy cho Việt Nam một bài học thích đáng”[9].
Cùng với vận động ngoại giao, Trung Quốc tăng cường chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tấn công quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới với Việt Nam, tập trung những quân đoàn chủ lực dọc theo biên giới Việt - Trung. Ngày 17- 2- 1979, sau sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên cả hai phương diện trong nước và quốc tế, Trung Quốc đưa 60 vạn quân tấn công dọc theo biên giới phía Bắc, đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam cùng với gần 800 xe bọc thép, xe tăng, trọng pháo và máy bay các loại[10]. Cuộc tấn công dọc tuyến biên giới phía Bắc (1979) đã khoét sâu thêm hố ngăn cách giữa Trung Quốc và Việt Nam, làm quan hệ hai nước vốn đã rạn nứt, nay rơi vào tình trạng dường  như không thể cứu vãn. Các nhà bình luận phương Tây gọi đây là "cuộc chiến giữa những người anh em Đỏ", hay "cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba". H. Kissinger đánh giá về cuộc chiến tranh này như sau: “Yếu tố ý thức hệ đã biến mất khỏi xung đột. Các trung tâm quyền lực của cộng sản cuối cùng đã tiến hành chiến tranh giành thế cân bằng quyền lực không phải căn cứ vào ý thức hệ mà hoàn toàn xuất phát từ lợi ích dân tộc”[11]. Về phía Trung Quốc, biện minh cho hành động của mình, Trung Quốc tuyên bố đây chỉ là “một cuộc phản kích để tự vệ” (?!). Thực chất, "đây là một cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện bằng lực lượng chính quy của hầu hết các quân khu Trung Quốc"[12]. Trung Quốc "có sự chuẩn bị kỹ càng về các mặt"[13].



[1] Đường biên giới với Trung Quốc được phân định trong các Công ước ngày 26- 6-1887 và ngày 20-6-1895 giữa Chính quyền Pháp (đại diện cho Việt Nam lúc bấy giờ) và nhà Thanh (đại diện cho Trung Quốc). Công ước hoạch định biên giới Pháp - Thanh  ngày 26-6-1887 đã hoạch định lại một số đoạn biên giới tiếp giáp giữa Bắc Kỳ với Vân Nam và nói rõ đường kinh tuyến 105°43' là đường phân chia chủ quyền các đảo. Công ước bổ sung hoạch định biên giới Pháp - Thanh  ngày 20-6-1895 thống nhất hoạch định các đoạn biên giới mà hai bên còn gác lại trong các văn bản hoạch định trước và hoạch định mới đoạn biên giới giữa Bắc Kỳ và Vân Nam từ sông Đà đến sông Mê Công. Trên cơ sở của các bản Công ước này, từ năm 1889 đến năm 1897, trên toàn bộ tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Pháp và nhà Thanh đã hai bên đã tổ chức phân giới, xác định 314 vị trí mốc và đã cắm được 341 mốc giới trên thực địa. Nhìn chung, trong quá trình đàm phán thương lượng về biên giới, chính quyền Pháp và nhà Thanh đã vận dụng một số nguyên tắc phổ biến của pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn quốc tế trong quá trình xác lập đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung quốc, thực hiện đầy đủ các bước từ xác định nguyên tắc, hoạch định, phân giới và tiến hành cắm mốc trên thực địa cũng như các thủ tục pháp lý khác. Về mặt pháp lý, Công ước năm 1887 và Công ước bổ sung năm 1895 cùng các biên bản, bản đồ phân giới cắm mốc thực hiện hai Công ước là một thể thống nhất các văn bản pháp lý bổ sung cho nhau, cung cấp khá đầy đủ các yếu tố về đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.  Như vậy, về cơ bản, hai công ước Pháp - Thanh năm 1887 và 1895 thừa nhận đường biên giới lịch sử truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình phân giới cắm mốc, phía Pháp đã nhân nhượng một số vùng lãnh thổ của Việt Nam cho Trung Quốc như Giang Bình, Bát Trang (Quảng Ninh), Đèo Luông (Cao Bằng), Tụ Long (Hà Giang). Trong giai đoạn chế độ Quốc dân đảng ở Trung Quốc, quan hệ biên giới giữa Pháp và Trung Quốc cơ bản ổn định, hệ thống mốc giới được bảo vệ, nhưng lợi dụng tình hình Pháp bị sa lầy và thất bại liên tiếp trong chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền Tưởng Giới Thạch đã có hành động di chuyển, phá hoại một số mốc giới, lấn chiếm quản lý nhiều khu vực đất đai sang phía Việt Nam.
[2]Đó là các vấn đề: Ruộng đất xâm canh; rừng cây ở bên kia biên giới; việc chăn nuôi qua biên giới; vấn đề thuỷ lợi, nguồn nước, đánh bắt cá trên sông, suối biên giới; vấn đề vay nợ; vấn đề quốc tịch, kiều dân; vấn đề thông hôn; vấn đề di cư; vấn đề trị an; vấn đề quốc giới.
[3] Lưu Văn Lợi, Việt Nam: Đất - Biển - Trời, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.75
[4] Long Việt, "Vietnam - Chia Lanh Border Treaty - a common victory of two nations”, Vietnam Law and Legal Forum, No 65, 1-2000.
[5]Vấn đề kế thừa di sản của các đường biên giới xác lập trong thời kỳ thực dân đã được đặt ra, coi đó là căn cứ chính để các bên đàm phán thoả thuận về một đường biên giới mới - đường biên giới quốc tế giữa các quốc gia độc lập có chủ quyền. ừ sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời (năm 1945) và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời (năm 1949), trên thực tế hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã duy trì sự quản lý biên giới thực tế cơ bản dựa trên đường biên giới đã được hoạch định bởi hai Công ước Pháp - Thanh năm 1887 và 1895 và kết quả thực hiện hai Công ước đó (kết quả phân giới, cắm mốc trên thực địa giữa chính quyền Pháp và nhà Thanh), nhằm giữ sự ổn định ở vùng biên giới chung giữa hai nước. Trước năm 1975, Việt Nam trong tình trạng bị chia cắt, cần phải tập trung sức người, sức của vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nên công tác đàm phán, giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc chưa có điều kiện đặt ra để giải quyết một cách thực chất..
[6] R.V.Pretcot (1977), Những biên giới của Đông Nam Á, Nxb Membuốc, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, tr.60.
[7] Theo thống kê của Việt Nam công bố trong Bị vong lục của Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam ngày 15-2-1979, thì số vụ xâm phạm vũ trang của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam năm 1978 là 583 vụ, tháng 1 và những tuần lễ đầu tháng 2-1979 có tới 230 vụ (dẫn theo Bị vong lục Bộ Ngoại giao Việt Nam, Báo Nhân dân, ngày 16-2-1979, tr. 4).
[8]Việt Nam và Liên Xô đã Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện (11-1978) có thời hạn 25 năm (mặc nhiên gia hạn 10 năm, nếu một trong hai bên không tuyên bố muốn chấm dứt hiệu lực của Hiệp định trước khi Hiệp định hết hạn một năm), cam kết không ngừng phát triển quan hệ mọi mặt, mở rộng hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học – kỹ thuật giữa hai nước. Điều 6 của Hiệp định ghi rõ: “Trong trường hợp một trong hai bên bị tiến công hoặc bị đe doạ tiến công, thì hai bên kí hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau, nhằm loại trừ mối đe doạ đó và áp dụng các biện pháp thích đáng có hiệu lực, để bảo đảm hoà bình và an ninh của hai nước”.
[9] Lưu Văn Lợi, Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam, (1975 - 1995), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998,Tập 2, tr. 122.
[10] Để trả lời, phía Việt Nam cũng phản kích đánh vào Malipô, Ninh Minh- hai thành phố biên giới của Trung Quốc.
[11]Dẫn theo “Kissinger bàn về Trung Quốc”, Pháp luật, Trang thông tin điện tử báo Pháp luật T.P Hồ Chí Minh, ngày 12-2-2012.
[12] Bộ Ngoại giao (1979), Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Sách trắng, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.91
[13] Bộ Ngoại giao (1979), Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, sđd, tr.91.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!