Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

XUNG QUANH VẤN ĐỀ TRANH CHẤP HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA



Mai Hoa tổng hợp tư liệu
 Việc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có lịch sử từ trước khi Việt Nam - Trung Quốc đặt quan hệ ngoại giao chính thức. Năm 1909, Trung Quốc bắt đầu có tranh chấp quần đảo Hoàng Sa; năm 1930 tiến đến tranh chấp quần đảo Trường Sa.
Từ thế kỷ XVII, Triều đình phong kiến Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo đó. Cho đến đầu thế kỷ XX, không có nước nào tranh chấp chủ quyền tại đây. Đầu năm 1907, Nhật Bản chiếm Đông Sa (Pratas) làm cho các nhà cầm quyền miền Nam Trung Quốc quan tâm đến các đảo trên biển Đông. Năm 1921, Chính quyền miền Nam Trung Quốc ra quyết định sát nhập quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) vào đảo Hải Nam.
Từ đó có sự tranh chấp giữa Trung Quốc và Pháp về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Năm 1935, "lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố một bản đồ coi cả 4 quần đảo trên biển Đông của là của Trung Quốc".
Đến năm 1939, Hoàng Sa và Trường Sa bị biến thành căn cứ hải quân của Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai. Lợi dụng tình hình thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương và Việt Nam chưa tiếp quản hai quần đảo, năm 1956, Trung Quốc cho quân đội ra chiếm đóng nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa; Đài Loan cho quân đội ra chiếm đảo Ba Bình trên quần đảo Trường Sa.
Sau Hiệp định Geneva 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền với vĩ tuyến 17 là ranh giới quân sự tạm thời. Theo vị trí địa lý, các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm dưới vĩ tuyến 17. Do đó, các đảo này thuộc chủ quyền và sự quản lý hành chính của Chính quyền Nam Việt Nam.
Ngày 13/7/1961, Chính quyền Nam Việt Nam ký sắc lệnh số 174-NV, đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc quản hạt hành chính tỉnh Quảng Nam, thay vì tỉnh Thừa Thiên. Ngày 13/7/1971, Ngoại trưởng Chính quyền Sài Gòn tuyên bố rằng từ lâu đời, quần đảo Trường Sa vẫn thuộc lãnh thổ Việt Nam. Ngày 15/7/1971, Bộ Ngoại giao Chính quyền Nam Việt Nam đã ra thông cáo tái xác nhận chủ quyền chính đáng của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 6/9/1973, Tổng trưởng Nội vụ Chính quyền Nam Việt Nam ký nghị định số 420/BNV/HCĐP/26 sát nhập một số đảo của quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy (Đồng Nai).
Tất cả các sự kiện trên đã trở thành cơ sở pháp lý và phù hợp với Công pháp quốc tế để khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ngày 28/9/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố "Sách trắng" giới thiệu 19 tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nếu không có chiến tranh thế giới thứ hai thì chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là liên tục, thật sự và là thực tế không cần tranh cãi từ thế kỉ XVII. Nhưng bắt đầu từ năm 1970, Trung Quốc bắt đầu tiến hành các hoạt động tranh chấp và xâm chiếm. Sau đó một thời gian ngắn (tháng 6/1974), những yêu sách của Bắc Kinh về biển Đông đòi phần lãnh thổ kéo dài dọc theo hầu như toàn bộ bờ biển Việt Nam cho tới cách bờ biển Xa-oắc của Malaixia trong vòng 20 dặm được lặp lại tại Hội nghị Luật trên biển lần thứ ba của Liên Hiệp Quốc. Những đòi hỏi đó không những sẽ hạn chế khả năng, triển vọng kinh tế của Việt Nam, mà còn làm cho Việt Nam rất dễ bị sức ép của Trung Quốc về phương diện quân sự.
Tháng 4/1983, Trung Quốc đặt lại tên cho các đảo, đá, bãi cạn thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và sát nhập hai quần đảo vào địa phận Hải Nam -Trung Quốc. Năm 1988, Trung Quốc lại huy động lực lượng không quân và hải quân tấn công chiếm 6 điểm trên quần đảo Trường Sa, xây dựng hệ thống dàn khoan khung sắt với những thiết bị vệ tinh và thông tin. Từ đó ra sức củng cố những điểm này, làm bàn đạp cho những bước tiến mới.
Tất cả những vi phạm đó đối với lãnh hải của Việt Nam xuất phát từ lập trường Trung Quốc cho rằng: hai quần đảo là một bộ phận lãnh thổ của mình. Về phía mình, Trung Quốc cũng đưa ra những tài liệu và bằng chứng lịch sử để chứng minh rằng mình đã khám phá và hành xử chủ quyền trước tiên.
Nhưng theo Luật quốc tế, "những phát kiến hoặc những kiến thức về địa dư, kể cả sự có mặt hay lui tới của những dân chài lưới trên hải đảo, chưa phải là một yếu tố đủ để chứng minh quan hệ về chủ quyền trên đất đai khám phá ra". Ngoài ra, căn cứ vào chính những tài liệu lịch sử cũ của Trung Quốc đã ghi chép, có thể khẳng định rằng, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông "chưa bao giờ thuộc lãnh thổ Trung Quốc". Bởi vì, người ta nhận thấy rằng trên tất cả những bản đồ Trung Quốc mà các học giả Trung Quốc biên soạn từ đời Tống đến đời Thanh, như "Hoàng dư toàn lãm đồ" và "Đại thanh đế quốc toàn đồ" (xuất bản năm 1905 và tái bản lần thứ tư năm 1910)... không thấy ghi chép bất kì quần đảo nào ở biển Đông. Ngược về biên giới phía nam của Trung Quốc chỉ thấy vẽ đế quốc Đại Thanh đến đảo Hải Nam mà thôi.
 Sở dĩ có sự tranh chấp những hòn đảo đã từng bị làm ngơ vì Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí địa- kinh tế, địa quân sự và địa- chính trị vô cùng quan trọng. Theo Bộ Mỏ và Địa chất Trung Quốc, vùng biển này có thể chứa tới 17,7 tỉ tấn dầu, mà nếu đúng thì nguồn dự trữ của nó sẽ lớn hơn của Côoét. Cũng theo đánh giá của Trung Quốc, khu vực Trường Sa có thể có một trữ lượng là 25 tỉ m2 khí đốt và 105 tỉ thùng dầu lửa (có tài liệu nói rằng vùng này có tới 205.000 tỉ thùng qui ra dầu). Khu vực 9.700 dặm vuông chung quanh bãi Vạn An (Vanguard Bank) ở Tây Nam Trường Sa ước tính chứa một tỉ thùng dầu lửa.
Sự phát triển kinh tế với tốc độ cao hơn 10% và sức ép của quy mô dân số khổng lồ đặt Trung Quốc trước thách thức ngày càng lớn của sự thiếu hụt các nguồn lực tài nguyên, nhất là khoáng sản, nguyên liệu, năng lượng (an ninh về năng lượng là một vấn đề sống còn đối với Trung Quốc-một đất nước đang trên con đường hiện đại hóa, (mà biển Nam Trung Hoa được mệnh danh là "Vịnh Pecxích"). Tình hình đó buộc Trung Quốc phải hướng ra khai thác tài nguyên biển, dựa vào biển Đông để tiếp tục phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế. Hơn nữa, Trung Quốc nằm ở vị trí tựa lưng vào lục địa, mặt trông ra biển. Vùng biển này là hành lang mậu dịch của các nước và khu vực Đông Á, lại là mắt xích quan trọng liên kết giữa châu Âu, châu Á, châu Phi và Thái Bình Dương. Lãnh hải của quần đảo Trường Sa có vai trò quyết định đối với giao thông hàng hải, nhất là vận chuyển dầu mỏ, qua eo biển Malắcca giữa Trung Đông và Nhật Bản. Đây còn là con đường huyết mạch trong vận tải biển quốc tế từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương (1/4 giá trị thương mại đường biển thế giới hàng năm đi qua khu vực này). Chiếm giữa được quần đảo Trường Sa, Trung Quốc sẽ rút ngắn được khoảng cách địa lý trong buôn bán với các nước Châu Á-Thái Bình Dương.
Về mặt quân sự, đến đầu thế kỷ thứ XX, trước sự de dọa của chủ nghĩa bành trướng Nhật Bản, Trung Quốc mới bắt đầu chú ý đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc, hàng trăm năm qua, Trung Quốc đã 7 lần bị xâm lăng từ biển. Hầu hết những cuộc xâm lược này là vào biển Nam Trung Hoa, sau đó tiến lên phía Bắc tới biển Đông và Hoàng Hải.
Hai quần đảo cũng đóng một vai trò sống còn đối với tranh chấp Trung- Xô, bởi vì Hải quân Xô-viết phải đi con đường chiến lược đó để đến và rời căn cứ Vladivoxtoc. Đồng thời, quần đảo Trường Sa có thể được sử dụng để kiểm soát các tuyến đường biển tại biển Đông và dùng cho mục đích quân sự như đặt các trạm rađa, trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền.... khu vực này án ngữ lối ra vào lục địa của hải quân Mỹ và Nhật Bản, cũng như đường qua lại của tàu chiến từ Ấn Độ Dương sang biển Đông. Do vậy, việc trấn giữ các đảo biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có tầm quan trọng đặc biệt về mặt an ninh quân sự cho Trung Quốc, cho phép Trung Quốc theo dõi các nước công nghiệp mới ở Đông Nam Á, chưa kể khả năng giám sát mạng lưới dày đặc các đường hàng không bay qua không phận khu vực này.
Với những tranh chấp trên biển Đông, bề ngoài Trung Quốc tỏ ra tán thành giải quyết thông qua thương lượng. Nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục lấn chiếm. Biện pháp lấn chiếm của Trung Quốc là vừa "gặm nhấm" từng phần, vừa thăm dò phản ứng của dư luận quốc tế. Khi có cơ hội, Trung Quốc tích cực tuyên bố chủ quyền, tạo ra nhiều điểm tranh chấp để khi đàm phán thì dù có phải nhượng bộ, nhưng vẫn giành được lợi về mình.
Trung Quốc còn luôn giữ lập trường giải quyết song phương với từng nước trong khu vực trong tranh chấp biển Đông. Bởi vì Trung Quốc muốn khai thác lợi thế tối đa của một nước lớn. Trung Quốc không muốn quốc tế hóa vấn đề này, vì như vậy sẽ có thể dẫn đến sự xuất hiện của các nước lớn khác (Nga, Nhật, Mỹ) và nếu quốc tế hóa thì chắc chắn Trung Quốc sẽ không còn nhiều lợi thế nữa, chưa kể có thể sẽ bị cô lập. Chính vì vậy, lập trường của Trung Quốc là khăng khăng giữ thái độ chỉ giải quyết vấn đề trong khuôn khổ lợi ích song phương. Nhưng từ sau 1996, Trung Quốc đã có những thay đổi: thừa nhận cả hai hình thức thảo luận song phương và đa phương với các nước ASEAN.
Mang nặng tư tưởng nước lớn, lại đang lớn mạnh và có ảnh hưởng ngày càng lan rộng ở phạm vi toàn cầu và khu vực, Trung Quốc sẽ không chịu nhượng bộ về chủ quyền hay lợi ích biển trước các nước trong khu vực. Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là luôn tìm cách hiện diện càng nhiều càng tốt biển Đông. Đây là sợi chỉ xuyên suốt mọi tính toán của Trung Quốc.
TÌNH HÌNH CÁC QUỐC GIA CHIẾM GIỮ QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA
(1998)
Quốc gia yêu sách
Số đảo chiếm giữ
Phương tiện hiện có
Số quân
Trung Quốc
8
Các sân bay trực thăng
260
Philippin
9
Đường băng 1.300m
595
Việt Nam
25
Đường băng 600m
600
Malaixia
3
Đường băng 600m
70
Đài Loan
1
Sân bay trực thăng
112
Brunei
0
Không
0
Tổng cộng
46 (có quân đồn trú)

1.637
Nguồn thống kê bảng biểu: Trích theo "Tranh chấp quần đảo Trường Sa- suy nghĩ về tác động đến an ninh khu vực", Chuyên san Thư viện Quân đội, Hà Nội 2000, tr.23







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!