TIẾN
CÔNG HUẾ XUÂN MẬU THÂN 1968 (31.1 - 29.2.1968), tiến công của lực lượng vũ
trang Quân khu Trị - Thiên kết hợp với nổi dậy của nhân dân miền Nam nhằm giành quyền
làm chủ, tiêu diệt lực lượng và cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn tại
Thừa Thiên - Huế (trọng điểm là thành phố Huế) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) trên toàn miền Nam Việt Nam.
Cuối năm 1967, để chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ sang
một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định, Bộ Chính trị Ban Chấp
hành Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng
tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lấy chiến trường chính là Sài Gòn,
Nam Bộ, Trị - Thiên - Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế.
Việc thực hiện thành công nhiệm vụ ở những trọng điểm này có ý nghĩa rất to lớn đối với toàn bộ cuộc tiến công Tết trên toàn miền Nam.
Việc thực hiện thành công nhiệm vụ ở những trọng điểm này có ý nghĩa rất to lớn đối với toàn bộ cuộc tiến công Tết trên toàn miền Nam.
Huế là thành phố
lớn thứ ba ở miền Nam, nơi tập trung các cơ quan đầu não chỉ đạo chiến tranh
của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở vùng 1 chiến thuật, tập trung nhiều binh lực
cũng như phương tiện chiến tranh. Mục đích đề ra cho cuộc tiến công là đánh
chiếm Huế, đập tan chính quyền Sài Gòn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ
tổng công kích - tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân trên toàn miền Nam. Quân Mỹ và
quân đội Sài Gòn ở mặt trận Huế có khoảng 25.000 đến 30.000 quân, gồm 14 tiểu
đoàn bộ binh (8 tiểu đoàn quân Sài Gòn, 6 tiểu đoàn quân Mỹ), 2 trung đoàn
thiết giáp, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn biệt kích, 2 tiểu đoàn công
binh, 2 tiểu đoàn vận tải, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ, 2 tiểu đoàn hải thuyền, 12
đại đội bảo an, 3 tiểu đoàn cảnh sat, 96 trung đội dân vệ, 18 đoàn bình định,
100 máy bay..., sau tăng lên 23 tiểu đoàn (15 tiểu đoàn Mỹ) và được sự chi viện
mạnh của không quân, pháo hạm... Toàn bộ
lực lượng này được bố trí trên 2 khu vực Bắc và Nam thành phố Huế; mỗi khu vực,
hệ thống phòng thủ được tổ chức thành vòng trong và vòng ngoài kiên cố hỗ trợ
cho nhau. Lực lượng quân sự của phía VNDCCH có 2 trung đoàn (6 và 9) cùng 4
tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo phản lực ĐKB, các đội
biệt động thành, bộ đội địa phương huyện và du kích xã, sau được tăng cường 3
trung đoàn bộ binh của các sư đoàn 324, 325. Ở nội thành Huế, phía cách mạng có
8 chi bộ Đảng, 100 cơ sở bí mật và nửa bí mật. Theo kế hoạch quân sự, mặt trận
Huế được chia làm 2 cánh, lấy sông Hương làm giới tuyến chiến đấu giữa mỗi
cánh. Cánh Bắc, khu tả ngạn sông Hương và huyện Hương Trà, là hướng tiến công
chủ yếu. Cánh Nam, khu hữu ngạn sông
Hương và hai huyện Hương Thuỷ, Phú Vang, là hướng tiến công quan trọng, đồng
thời là hướng chủ yếu đánh lực lượng phản kích. Kế hoạch khởi nghĩa dự định
trong đêm tiến công và ngày hôm sau, sẽ phát động nhân dân tiến hành khởi nghĩa
vũ trang chiếm cơ quan đầu não thành phố và toàn bộ hệ thống chính quyền Sài
Gòn ở nông thôn; thực hiện vũ trang toàn dân, đưa sức chiến đấu của nhân dân
lên cao nhất, cùng với bộ đội tiêu diệt, tiêu hao lực lượng đối phương; nhanh
chóng xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị, xây dựng chính quyền để
phát triển thắng lợi; nhanh chóng phát triển dân quân du kích đánh lực lượng
phản kích, giữ vững chính quyền; chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu mới. Ban
chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy toàn Khu và Mặt trận Huế do Ban Thường vụ Khu
uỷ và Thường vụ Quân khu hợp thành. Về quân sự, một bộ chỉ huy Mặt trận Huế
được chỉ định gồm Tư lệnh Lê Minh, Chính uỷ Lê Chưởng, Phó Tư lệnh Nam Long,
Tham mưu trưởng Đặng Kinh.
Giai đoạn chuẩn bị tiến công (7.1 - 30.1.1968): Lực lượng
vũ trang Quân khu đẩy mạnh hoạt động trên 2 hướng Nam và Bắc thành phố Huế nhằm
gìm chân, nghi binh đánh lạc hướng đối phương (hướng Quảng Trị) và chặn cắt
giao thông tiếp tế của đối phương (hướng Phú Lộc). Vùng ven thành phố Huế, Quân
giải phóng duy trì hoạt động diệt ác, trừ gian, khống chế những nhân viên chỉ
điểm và làm việc trong bộ máy chính quyền Sài Gòn; tập kích một số mục tiêu nhỏ
vùng phụ cận như ấp Mỹ Xuyên (Phong Điền), Thủ Lệ (gần Sịa), phá đường An Lỗ -
Sịa, chặn đánh 2 cuộc càn của quân Sài Gòn vào vùng Hương Trà; xây dựng những bàn
đạp tiến công thành phố, đánh phá giao thông, tiêu hao, kìm chân đối phương.
Chiều ngày 30.1.1968 (chiều mồng 1 Tết theo lịch miền Nam), tất cả các đơn vị
Quân giải phóng, rời căn cứ hành quân chiếm lĩnh bàn đạp xuất phát tiến công.
Giai đoạn thực hành tiến công và nổi dậy (31.1 -
29.2.1968): lực lượng Quân khu và nhân dân tiến hành cuộc tiến công và nổi dậy
ở thành phố Huế. 02h 33 phút ngày 31.1 (tức rạng ngày mồng 2 Tết theo lịch miền
Nam), lực lượng vũ trang Quân giải phóng đồng loạt tiến công vào các mục tiêu
đã định. Pháo binh Quân giải phóng đồng loạt dội đạn xuống các mục tiêu của đối
phương ở khu Tam Giác, khu Phan Sào Nam, Phú Bài, Động Toà, Đông Ba, mở đầu cho
cuộc tiến công đánh chiếm thành phố Huế. Ngay sau đó, lực lượng tiến công trên
2 cánh đồng loạt đánh vào 39 khu vực mục tiêu trong và ngoài thành phố. Ở cánh
Bắc, Quân giải phóng tiến công các mục tiêu như đồn Mang Cá (nơi đặt sở chỉ huy
của sư đoàn 1 bộ binh quân đội Sài Gòn), khu An Hoà, cửa Chánh Tây, sân bay Tây
Lộc, cửa Hữu, cửa Thượng Tứ, khu Đông Ba, khu Cột Cờ, khu Đại Nội, cầu Bạch Hổ,
khu vực Kim Long, khu Gia Hội, Kẻ Vạn, Văn Thánh... Hầu hết các mục tiêu quy
định đều đã bị Quân giải phóng đánh chiếm, chỉ trừ khu Mang Cá và sân bay Tây
Lộc. Ở cánh Nam, Quân giải phóng tiến công căn cứ trung đoàn 7 thiết giáp quân
đội Sài Gòn ở Tam Thai, đại đội Nam Triều Tiên ở khu Tàu Lăng, khu công binh
Nam Giao, sở chỉ huy lực lượng cảnh sát dã chiến, khu kho Rèn, Ngã Sáu, Đài
phát thanh, ty Sắc tộc, chiếm Toà tỉnh trưởng, giải phóng 2.000 cán bộ, chiến
sĩ bị giam cầm ở nhà lao Thừa Phủ; chiếm khu vực nhà ga, xưởng quân cụ, tiến
công khách sạn Mỹ là khách sạn Hương Giang và khách sạn Thuận Hoá. Sáng ngày 1.2,
phần lớn thành phố đã thuộc quyền kiểm soát của Quân giải phóng. Lá cờ cách
mạng tung bay trên cột cờ Thành Nội. Sáng ngày 3.2, quần chúng bắt đầu nổi dậy
lùng diệt, truy quét ác ôn và tàn binh quân đội Sài Gòn, phá bỏ bộ máy kìm kẹp,
thiết lập chính quyền cách mạng ở cơ sở, xây dựng công sự, trận địa phòng thủ,
cứu chữa thương binh, vận động binh lính và nhân viên chính quyền Sài Gòn ra
trình diện chính quyền cách mạng. Các tổ chức đoàn thể mới như "Hội binh
sĩ yêu nước", "Đoàn nghĩa binh cảnh sát"... được thành lập, tập
hợp hàng trăm hội viên, đoàn viên. "Liên minh các lực lượng dân tộc, dân
chủ và hoà bình" (gồm các nhân sĩ, trí thức, sinh viên, chức sắc tôn giáo
yêu nước) ra đời, phát lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết đứng lên chống
Mỹ. Tại các huyện vùng ven như Hương Trà, Hương thuỷ, Phú Vang, lực lượng vũ
trang được sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân đánh chiếm các mục tiêu vòng ngoài
của đối phương, bức rút đồn bốt, gọi hàng và làm tan rã lực lượng dân vệ, truy
quét bọn ác ôn và tay sai ngoan cố, mở rộng vùng giải phóng xung quanh Huế.
Trên các hướng phối hợp (Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Nam, Quảng Trị), các đơn vị
Quân giải phóng nổ súng tiến công nhiều mục tiêu, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy
giành quyền làm chủ ở nhiều vùng nông thôn. Sau những ngày đầu tiến công và nổi
dậy giành thắng lợi, Quân giải phóng ở cả 2 hướng chuyển sang đánh lực lượng
phản kích. Ở cánh Bắc, do Quân giải phóng không chiếm được đồn Mang Cá và sân
bay Tây Lộc, không chia cắt và ngăn chặn được hướng Bao Vinh nên quân Mỹ và
quân Sài Gòn có điều kiện tăng cường lực lượng vào Mang Cá và khu vực sân bay
Tây Lộc, dựa vào đó để phản kích vào khu vực Thành Nội và nhiều nơi khác. Ở
cánh Nam, quân Mỹ và quân Sài Gòn chiếm lại nhiều mục tiêu. Từ ngày 5.2, Quân
giải phóng phải rút khỏi nội thành ra bám trụ vùng ven. Từ ngày 7.2, 14 tiểu
đoàn quân Mỹ và quân Sài Gòn với sự chi viện hoả lực mạnh mẽ của không quân,
pháo binh, xe tăng, mở các cuộc phản kích nhằm vào các mục tiêu phía Bắc thành
phố Huế. Tiếp đó, nhiều đơn vị chủ lực đối phương được tung vào trận, nâng tổng
số quân Mỹ và quân Sài Gòn tại Mặt trận Huế lên 23 tiểu đoàn (trong đó có 15
tiểu đoàn Mỹ). Ngoài ra, sư đoàn 1 kỵ binh không vận Mỹ chiếm đóng ở phía bắc
và tây bắc Huế nhằm ngăn chặn sự tăng viện của Quân giải phóng. Không quân Mỹ
dội bom vào các mục tiêu Quân giải phóng chiếm giữ, tàn phá nhiều nhà cửa và
công trình kiến trúc của cố đô Huế. Để phối hợp với toàn Miền, lực lượng Quân
giải phóng được tăng cường vào khu vực Thành Nội, kiên quyết giữ vững những mục
tiêu đang chiếm giữ. Vùng ven, Quân giải phóng mở những cuộc tiến công vào Nam
Giao, Long Thọ, Tam Thai, cầu Bến Ngự, cầu Lò Rèn, Đập Đá, Vĩ Dạ, An Cự... nhằm
buộc quân phản kích phải phân tán lực lượng đối phó, hỗ trợ cho lực lượng chiến
đấu trong nội thành. Từ ngày 9.2, giao tranh diễn ra tại nhiều nơi trong thành
phố Huế. Ngày 21.2, sau nhiều lần phản kích, đối phương dồn quân cách mạng về
phía An Hoà. Ở khu vực Thành Nội, quân phản kích chiếm thêm cửa Thượng Tứ, dồn
Quân giải phóng về khu vực phía Tây Thành. Trước tình hình đó, để bảo toàn lực
lượng, tránh bị bao vây, ngày 22.2, Khu uỷ Trị - Thiên và chỉ huy Mặt trận Huế
quyết định rút lực lượng chiến đấu ra khỏi thành phố Huế. Từ ngày 23.2 đến
25.2, các đơn vị chủ lực, đặc công, biệt động, bộ đội địa phương, dân quân du
kích, thương bệnh binh đã chủ động, bí mật lần lượt rút lên vùng giải phóng Phú
Vang và vùng căn cứ miền núi Trị - Thiên.
Trải qua 25 ngày đêm chiến đấu, Quân giải phóng đã loại
khỏi vòng chiến đấu hơn 20.000 quân đối phương, bắn cháy và phá huỷ 50 máy bay,
hàng trăm xe QS, thu và phá huỷ 2.500
súng, pháo các loại cùng nhiều kho tàng, phương tiện QS khác; đập tan phần lớn
bộ máy chính quyền Sài Gòn ở thành phố, ở các huyện, xã, thôn, giải phóng hàng
ngàn tù chính trị, hàng trăm nghìn dân, thành lập chính quyền cách mạng ở thành
phố và nhiều nơi. Cuộc tiến công và nổi dậy ở Huế đã phối hợp có hiệu quả với
cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn Miền, góp phần quan trọng gây chấn động
mạnh, đánh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Ưu điểm của cuộc tiến công và nổi
dậy là: có cả một quá trình chủ động chuẩn bị lực lượng, thế trận; nêu cao tinh
thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn; vận dụng cách đánh táo bạo, phối hợp
khá nhịp nhàng giữa tiến công quân sự và nổi dậy của nhân dân nên phát huy được
sức mạnh to lớn. Những khuyết điểm còn tồn tại là: chưa chủ động xây dựng miền
núi và vùng giáp ranh thành chiến trường cho tác chiến của chủ lực; thiếu kế
hoạch đối phó với tình huống khi không chiếm được mục tiêu chủ yếu và bị phản
kích dữ dội; thiếu năng động, quyết đoán chuyển phương châm đấu tranh khi không
đạt được mục tiêu cao nhất đề ra; khi bị phản kích, không tập trung lực lượng
diệt từng mục tiêu, bộ phận đối phương, nhất là các vị trí có ý nghĩa quyết
định (đồn Mang Cá, ngã ba Sịa... ); kế hoạch rút lui và chính sách ở vùng mới
giải phóng thiếu toàn diện, tạo điều kiện cho đối phương dễ đánh phá và chiếm
lại những vùng vừa bị mất. Bài học được rút ra là: phải chuẩn bị thế trận chiến
tranh nhân dân vững mạnh; vận dụng cách đánh thích hợp sáng tạo, bí mật, bất
ngờ; kết hợp sức mạnh tổng hợp quân sự - chính trị nhưng phải lấy tiến công
quân sự làm đòn chính; phải chuẩn bị lực lượng vũ trang mạnh, tổ chức chiến
trường tác chiến chủ lực; cơ quan lãnh đạo và người chỉ huy chiến trường vừa
phải có tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh nhưng phải có tinh thần chủ động
tự chịu trách nhiệm đề ra phương án mới khi tình hình thay đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!