Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

VỀ MỘT SỐ CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG THỜI CHỐNG PHÁP: Chiến khu Láng Le



Chiến khu Láng Le - Bàu Cò: Gọi là chiến khu Láng Le vì đây là một vùng đầm lầy có nhiều chim lele tụ tập. Láng Le - Bàu Cò nằm trên bờ rạch Láng Le và rạch Cái Tăm cách Sài Gòn khoảng 20km về phía Tây Nam, giáp ranh xã Tân Nhựt và khu kinh tế mới Lê Minh Xuân chạy đến Gò Xoài, Vườn Thơm. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đây là vùng căn cứ cách mạng nổi tiếng, nhân dân ở đây sớm có truyền thống đấu tranh yêu nước nồng nàn.

Cuối tháng 9.1930 nhân dân đã tích cực tham gia nhiều cuộc biểu tình, phá cầu, chặn xe của thực dân Pháp. Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 và cách mạng Tháng Tám 1945, nhân dân Láng Le cùng nhân dân Chợ Lớn, Bình Chánh vùng lên mạnh mẽ cướp chính quyền, Láng Le là căn cứ của cơ quan lãnh đạo Thành đoàn. 18.4.1948, Láng Le đã đi vào lịch sử với "cây súng Nguyễn Hữu Mai" khi các chiến sĩ trung đoàn Phạm Hồng Thái, đơn vị chủ lực đầu tiên của Sài Gòn lúc bấy giờ chọc thủng vòng vây của địch. Trên 300 tên Âu Phi bị tiêu diệt và bị bắt sống, thu nhiều vũ khí. 26.2.1966 lực lượng vũ trang ta đánh tan 1 tiểu đoàn lính Mỹ càn quét vùng Láng Le, cầu An Hạ, Bình Chánh tiêu diệt và làm bị thương hơn 200 tên bắn rơi 3 máy bay lên thẳng. Đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom, rải chất độc hóa học hòng tiêu diệt mọi sinh vật trong vùng, biến Láng Le thành một vùng trắng, nhưng cán bộ Đảng viên và du kích vẫn ngoan cường bám trụ, không để quân thù vào vùng đất độc lập - tự do. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 quân và dân Láng Le lập nhiều chiến công xuất sắc. Đặc biệt ngày 13.5.1968 đã đánh bại cuộc hành quân giải tỏa của Mỹ ngụy.
 Theo sách: Hỏi đáp 300 năm Thành phố, Nxb. Trẻ, 1997.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!